Tự ý cho thuê bất động sản là tài sản sở hữu chung mà không có sự đồng ý của những người đồng sở hữu thì có được không?

Nhà thuộc sở hữu chung của 5 người con, do ba mẹ mất không chia tài sản, chỉ di chúc rằng nhà chỉ để ở, không được mua bán. Hiện tại bốn người con đã định cư ở nước ngoài, còn lại một người (anh L) cư trú tại căn nhà đó. Nay anh L muốn cho một người khác thuê cả căn nhà (không có sự đồng ý của bốn người kia), hợp đồng cho thuê có thời hạn là 10 năm. Sau khoảng thời gian đó, người thuê sẽ hoàn trả lại căn nhà. Xin cho tôi hỏi hành vi này có hợp pháp không?

Tự ý cho thuê bất động sản là tài sản sở hữu chung mà không có sự đồng ý của những người đồng sở hữu thì có được không?
Theo thông tin anh cung cấp thì ngôi nhà là tài sản thừa kế do bố mẹ để lại cho 05 người con.

Do di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế nên theo quy định di sản (ngôi nhà) sẽ được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc.

Theo đó, ngôi nhà được xác định là tài sản được chia đều cho 05 người con. Trong trường hợp ngôi nhà (di sản thừa kế) chưa được phân chia cho những người thừa kế thì tài sản này sẽ được coi thuộc sở hữu chung theo phần giữa 05 người con.

Căn cứ theo Điều 209 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của các chủ sở hữu chung theo phần như sau:

Sở hữu chung theo phần
1. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.
2. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo đó, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình.

Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

Theo đó, anh L một trong những người thừa kế chỉ có quyền định đoạt giá trị tương ứng với 1/5 căn nhà.

Vì vậy, việc anh L tự ý cho thuê cả căn nhà mà không có sự đồng ý của 04 người còn lại là vi phạm các quy định của pháp luật.

Tài sản thuộc sở hữu chung của các thành viên gia đình gồm những tài sản nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình như sau:

Sở hữu chung của các thành viên gia đình
1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.
Như vậy tài sản thuộc sở hữu chung của các thành viên gia đình gồm:

– Những tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên

– Những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Sở hữu chung của vợ chồng quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 213 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sở hữu chung của vợ chồng như sau:

Sở hữu chung của vợ chồng
1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.
2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.
5. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này.

LƯU Ý:
– Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo
– Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc

TƯ VẤN LUẬT TAM NGUYÊN
LIÊN HỆ: 094.6459.111
EMAIL:
[email protected]