Qua điều tra, khảo sát, Sở KH&CN TP. Đà Nẵng đã đề xuất 50 sản phẩm đặc thù để xem xét hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ theo các chính sách của TP; đồng thời thống kê được 16 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã được cấp văn bằng có triển vọng phát triển, có vai trò quan trọng vào việc phát triển kinh tế của địa phương.
Theo thống kê, hiện tại TP. Đà Nẵng có 40 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; 17 sản phẩm được công nhận sản phẩm thương mại đặc trưng và 33 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp TP với 59 đơn vị tham gia cả 03 chương trình (25 doanh nghiệp, 27 hộ kinh doanh, 6 hợp tác xã và 01 làng nghề).

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP đang trình UBND TP xem xét, quyết định công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp TP năm 2022, gồm 11 sản phẩm (02 sản phẩm đạt 4 sao, 09 sản phẩm đạt 3 sao).

Đây là những tài sản trí tuệ lớn gắn liền với sản phẩm đặc trưng của địa phương cần được khai thác thương mại, ưu tiên hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ quản lý, khai thác, phát triển, ứng dụng tài sản trí tuệ để tăng cường khai thác tiềm năng thế mạnh của các sản phẩm địa phương.

Tuy nhiên, theo Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng, việc phát triển tài sản trí tuệ gắn với sản phẩm đặc thù địa phương tuy được chính quyền và người dân quan tâm nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của một TP trực thuộc Trung ương và là trung tâm kinh tế – xã hội của miền Trung – Tây Nguyên.

Trong đó, nhiều sản phẩm đặc thù, sản phẩm truyền thống gắn với tên địa danh chưa được đăng ký bảo hộ. Các tổ chức tập thể được giao quản lý các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của các sản phẩm truyền thống, mang tính đặc trưng địa phương chưa đủ năng lực để tổ chức, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ ở địa phương, dẫn đến việc triển khai các mô hình quản lý phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng các thương hiệu cộng đồng còn gặp khó khăn, chưa hiệu quả.

Trước thực trạng trên, để xác lập quyền, khai thác thương mại các sản phẩm đặc thù địa phương, TP Đà Nẵng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ như: Nghị quyết số 329/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND TP ban hành quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP Đà Nẵng; Nghị quyết số 328/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND TP quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025; Nghị quyết số 62/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND TP quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP Đà Nẵng; Quyết định số 2276/QĐ-UBND ngày 23/05/2019 của Chủ tịch UBND TP về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” TP Đà Nẵng đến năm 2030…

Tuy nhiên, những chính sách trên vẫn chưa đủ sức thúc đẩy việc phát triển, phát huy các sản phẩm trí tuệ đã được đăng ký và công nhận nhãn hiệu. Trước thực tế đó, Sở KH&CN TP Đà Nẵng vừa tiến hành cuộc điều tra, khảo sát các sản phẩm đặc thù địa phương và sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể trên địa bàn TP. Theo đó, các điều tra viên đã thu thập thông tin qua phiếu điều tra; gặp gỡ phỏng vấn 04 nhóm đối tượng có liên quan gồm: Chủ sở hữu các nhãn hiệu chứng nhận/nhãn hiệu tập thể; hội viên tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm; các tổ chức quản lý Nhà nước tại các quận, huyện, các hội, hiệp hội, tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở; các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh sản xuất và kinh doanh sản phẩm.

Kết quả điều tra thống kê được 65 sản phẩm đặc thù tại các quận, huyện, trong đó có những sản phẩm đặc thù đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; sản phẩm OCOP; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng và có những sản phẩm chưa được đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng cũng như chưa được xác lập quyền.

Với các tổ chức khảo sát mặc dù đã cung cấp được danh sách các sản phẩm đặc thù theo đánh giá của đơn vị nhưng không cung cấp hết các sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng. Trong đó, huyện Hòa Vang có 34 sản phẩm, quận Ngũ Hành Sơn 06 sản phẩm, Thanh Khê 04 sản phẩm, Hải Châu 06 sản phẩm, Sơn Trà 06 sản phẩm, Liên Chiều 06 sản phẩm và Cẩm Lệ 03 sản phẩm. Ngoài ra, nhóm điều tra cũng thống kê được danh sách 61 sản phẩm đặc thù trên địa bàn TP chưa đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ.

Liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu bảo hộ tài sản trí tuệ, phát triển sản phẩm, kết quả điều tra cho thấy có 50% lựa chọn việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc thù là nguồn thu nhập chính của các hộ; 50% là nghề phụ làm thêm. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu trên địa bàn TP, số ít được tiêu thụ ở các tỉnh lân cận cũng như trên toàn quốc và 100% sản lượng sản xuất kinh doanh vừa đủ tiêu thụ và đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc thù chưa có nhãn hiệu, logo nhận diện, chiếm 70% lựa chọn; 30% cơ sở điều tra phản hồi có được phổ biến, cập nhật kiến thức về bảo vệ thương hiệu khi đưa sản phẩm ra thị trường; 50% phản hồi không được phổ biến và 10% phản hồi không biết; 80% các cơ sở được điều tra cho rằng thời gian qua các hộ kinh doanh, sản xuất chưa nhận được sự hỗ trợ nào trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc thù.

Việc sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cũng gặp những khó khăn do thường bị ép giá, giá không ổn định, sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu riêng, chưa có cửa hàng, địa điểm giới thiệu. Để hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, các hộ kinh doanh cần cơ quan quản lý hỗ trợ trong quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, các tổ chức có sản phẩm đặc thù rất quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu sản phẩm của địa phương. Các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh sẵn sàng tham gia vào tổ chức để đăng ký nhãn hiệu tập thể và cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia sử dụng nhãn hiệu; đồng thời đề xuất hỗ trợ vốn, vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm, thiết kế bao bì sản phẩm,…

Nhóm điều tra cũng đề xuất 50 sản phẩm đặc thù trên địa bàn để xem xét hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ theo các chính sách của TP; đồng thời cung cấp danh sách 16 nhãn hiệu chứng nhận/nhãn hiệu tập thể đã được cấp văn bằng có triển vọng phát triển, có vai trò quan trọng vào việc phát triển kinh tế của địa phương.

Bài, ảnh: Đình Tăng

LUẬT SƯ TƯ VẤN SỞ HỮU TRÍ TUỆ: NGUYỄN THÁI TƯỜNG HÂN
LIÊN HỆ: 094.6459.111
EMAIL:
 tuvanluattamnguyen@gmail.com