Chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư thì có cần bản vẽ tổng mặt bằng hay không?

Công ty tôi đang tiến hành có một dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy mô sử dụng đất từ 50ha trở lên và cần có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Cho tôi hỏi trong dự án này, chúng tôi có thể nộp quy hoạch chi tiết 1/500 thay cho bản vẽ tổng mặt bằng được không? Sau khi hoàn thiện các hồ sơ phục vụ cho nhu cầu chuyển nhượng thì tiếp theo chúng tôi thực hiện thủ tục chuyển nhượng toàn bộ dự án trên như thế nào?

Hồ sơ thực hiện việc chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư gồm những thành phần nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 02/2022/NĐ-CP thì hồ sơ thực hiện chuyển nhượng dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư bao gồm:

– Đơn đề nghị chuyển nhượng một phần hoặc một phần dự án bất động sản theo mẫu quy định tại Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 02/2022/NĐ-CP;

– Dự thảo hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án;

– Các giấy tờ (bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có công chứng, chứng thực khi nộp hồ sơ) về dự án bất động sản chuyển nhượng, bao gồm:

+ Quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản cho phép đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Quyết định phê duyệt dự án;

+ Quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc bản vẽ tổng mặt bằng;

+ Giấy tờ chứng minh đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng của dự án;

+ Giấy chứng nhận đối với dự án;

+ Báo cáo quá trình thực hiện dự án bất động sản tính đến thời điểm chuyển nhượng theo mẫu quy định tại Mẫu số 12 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 02/2022/NĐ-CP.

Thủ tục chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư gồm những bước nào?
Căn cứ vào quy định tại Điều 12 Nghị định 02/2022/NĐ-CP thì thủ tục chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư theo các bước dưới đây:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Chủ đầu tư dự án bất động sản nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện 01 bộ hồ sơ gồm những thành phần được đề cập tại mục trên đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án.

Bước 2: Lấy ý kiến thẩm định và quyết định cho phép chuyển nhượng

– Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến thẩm định của các bộ, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng

– Trường hợp dự án, phần dự án bất động sản không đủ điều kiện chuyển nhượng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản thông báo cho chủ đầu tư dự án biết rõ lý do.

Bước 3: Hoàn thành việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng

– Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày có quyết định cho phép chuyển nhượng dự án, phần dự án bất động sản, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải hoàn thành việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng theo Mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 02/2022/NĐ-CP và hoàn thành việc bàn giao dự án, phần dự án chuyển nhượng.

– Hợp đồng chuyển nhượng dự án, phần dự án đồng thời là hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất của dự án, phần dự án chuyển nhượng, trừ trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

Bước 4: Các bên nộp thuế, phí và bàn giao hồ sơ

– Sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng, các bên có trách nhiệm nộp thuế, phí theo quy định của pháp luật.

– Bên chuyển nhượng có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ dự án, phần dự án chuyển nhượng cho bên nhận chuyển nhượng, việc bàn giao phải được lập thành văn bản có chữ ký của các bên.

– Bên nhận chuyển nhượng được tiếp tục triển khai dự án, phần dự án ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, phí và nhận bàn giao dự án, phần dự án.

Bước 5: Thông báo bằng văn bản và đăng báo

– Trước khi làm thủ tục bàn giao ít nhất 15 ngày, bên chuyển nhượng dự án, phần dự án bất động sản phải thông báo bằng văn bản cho tất cả khách hàng, các bên có liên quan (nếu có) biết và đăng tải ít nhất 03 lần liên tiếp trên một tờ báo phát hành tại địa phương hoặc trên đài truyền hình địa phương hoặc đài truyền hình trung ương về việc chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án.

– Trường hợp khách hàng hoặc các bên có liên quan có ý kiến về quyền lợi của mình liên quan đến dự án, phần dự án chuyển nhượng thì bên chuyển nhượng có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật trước khi làm thủ tục bàn giao dự án, phần dự án.

Bước 6: Làm thủ tục đăng ký biến động đất đai

– Sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng, đối với trường hợp chuyển nhượng dự án, phần dự án có gắn với quyền sử dụng đất thì các bên phải làm thủ tục đăng ký biến động về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với việc chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản do Thủ tướng Chính Phủ quyết định việc đầu tư
Khoản 4 Điều 12 Nghị định 02/2022/NĐ-CP quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai quyết định cho phép chuyển nhượng dự án, phần dự án bất động sản trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có dự án và gửi quyết định này về Bộ Xây dựng để tổng hợp, theo dõi.

Như vậy, khi không có bản vẽ tổng mặt bằng thì công ty anh/chị có thể nộp thay bằng quy hoạch chi tiết 1/500 để thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư của công ty anh/chị không bị gián đoạn.

LƯU Ý:
– Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo
– Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc

TƯ VẤN LUẬT TAM NGUYÊN
LIÊN HỆ: 094.6459.111
EMAIL:
tuvanluattamnguyen@gmail.com