Chìa khoá cho việc quản lý tài chính cá nhân chính là tính “kỷ luật”. Chặng đường tự do tài chính không chỉ đòi hỏi chúng ta kỷ luật trong vài tháng, vài năm mà là cả đời. Chính vì vậy, nhiều người loay hoay không biết bắt đầu từ đâu và vào lúc nào. Trên thực tế, hôm nay là ngày sớm nhất để bạn bắt đầu hành trình của mình. Hãy cùng Fin Zone tìm hiểu các nguyên tắc cơ bản của việc đầu tư nhé.

  1. Định vị bức tranh tài chính cá nhân ở thời điểm hiện tại 

Để bắt đầu xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân, bước đầu tiên bạn cần xác định được “sức khoẻ tài chính” hiện tại của bản thân mình. Thông qua đó, bạn sẽ hoạch định được các dòng tiền cho các hạng mục chi tiêu, tích luỹ, đầu tư.

Các hạng mục cần liệt kê trong bức tranh tài chính bao gồm:

  • Thu nhập cố định: khoản tiền lương cố định, hoặc khoản tiền chắc chắn bạn đang kiếm được mỗi tháng.
  • Thu nhập gia tăng: khoản tiền không cố định như thưởng doanh thu, hoa hồng, thưởng lễ tết, trợ cấp.
  • Các khoản nợ: các khoản nợ mà bạn hiện đang có, lãi suất đi kèm thời gian và kế hoạch trả nợ.
  1. Lên kế hoạch tài chính ngay cho tháng tiếp theo

Sau khi xác định được bức tranh tài chính hiện tại của mình, bạn cần lên kế hoạch cho việc chi tiêu trong tháng tiếp theo. Nếu bạn vẫn còn có nợ, nên ưu tiên cho việc trả nợ vì các khoản nợ sẽ đi kèm lãi suất, lãi mẹ đẻ lãi con sẽ tạo gánh nặng tài chính lâu dài. Một kế hoạch trả nợ bài bản sẽ phần nào giúp bạn có mục tiêu hơn trong việc làm chủ tài chính cũng như giảm thiểu tối đa việc mất tiền lãi không cần thiết.

Trong việc quản lý tài chính cá nhân, các chuyên gia đã đưa ra 2 phương pháp: phương pháp 50/20/30 và phương pháp 6 chiếc lọ.

Với phương pháp 50/20/30: 50% thu nhập của bạn sẽ dành cho nhu cầu thiết yếu (ăn uống, nhà cửa, trả các loại phí sinh hoạt…); 20% dành cho đầu tư tiết kiệm (gửi tiết kiệm, đầu tư dài hạn…) và 30% dành cho các sở thích cá nhân (du lịch, học thêm, mua sắm…).

Với phương pháp 6 chiếc lọ: Thu nhập của bạn sẽ được chia nhỏ ra thành 6 quỹ tương đương nhau như sau:

  • Quỹ chi tiêu cần thiết
  • Quỹ tiết kiệm dài hạn
  • Quỹ giáo dục
  • Quỹ hưởng thụ
  • Quỹ tự do tài chính
  • Quỹ từ thiện

Đây là hai phương pháp cơ bản để kiểm soát nguồn thu nhập đối với những người mới bắt đầu bước chân vào hành trình quản lý tài chính cá nhân. Khi bạn đã có một nền tảng tài chính nhất định, đa dạng các nguồn tiền, bạn sẽ cần một phương pháp cũng như kế hoạch dài hơi hơn.

  1.  Lưu lại các khoản thu chi

Sẽ không dễ dàng trong những tháng đầu áp dụng 2 phương pháp kể trên. Đừng nản lòng, tất cả chúng ta đều gặp khó khăn trong việc làm đúng theo kế hoạch đề ra ngay từ đầu! Bạn hãy dành thời gian note lại các khoản thu chi trong tháng trên 1 file excel. Hiện nay cũng có rất nhiều app giúp bạn ghi nhớ các khoản đã tiêu. Tuy nhiên, dù bằng công cụ nào, bạn cũng cần là người ghi lại những thu chi dù nhỏ nhất. Cuối tháng bạn sẽ biết tiền của mình đi đâu và có thể điều chỉnh phù hợp vào những tháng tiếp theo.

  1. Điều chỉnh kế hoạch chi tiêu sao cho phù hợp 

Khi đã biết tiền của mình đi đâu, hãy dành thời gian vào cuối tháng để xem lại kê khai cá nhân các khoản chi trong tháng. Bạn sẽ thấy những khoản tiền bốc hơi khỏi ví một cách không cần thiết hoặc có thể lược bớt. Ví dụ như: những buổi tụ tập bạn bè ở những hàng quán đắt đỏ, số tiền chi cho 1 chiếc váy mới dùng đến một lần, số tiền mua một chiếc điện thoại đời mới trong khi chiếc điện thoại cũ vẫn làm tốt chức năng của nó… Thông qua đó, bạn sẽ ý thức hơn về cách tiêu tiền và điều chỉnh tỷ lệ chi tiêu về tiệm cận với phương pháp đề ra.

  1. Gia tăng và làm đa dạng các nguồn thu nhập

Gia tăng thu nhập là cách hay nhất trong việc quản lý tài chính cá nhân. Khi bạn biết sử dụng thời gian hợp lý, giá trị của bạn tăng lên, đồng tiền sẽ tìm đến. Thu nhập gia tăng không chỉ phụ thuộc vào việc bạn tăng lương hoặc có một công việc mới với mức lương cao hơn. Mà còn là việc bạn nâng cấp các kỹ năng làm việc, có những side job hoặc passive income. Điều này giúp bạn tự chủ tài chính hơn là việc trông chờ vào 1 công việc với 1 nguồn thu nhập mỗi tháng.

Quản lý tài chính cá nhân không hề khó. Trên đây là 5 nguyên tắc vàng mà chúng tôi đã tổng hợp và gửi đến bạn. Hy vọng đây là cẩm nang hữu ích để bạn bắt đầu hành trình quản lý tài chính cá nhân ngay hôm nay.

 

<< ĐĂNG KÝ DỊCH VỤ NGAY TẠI ĐÂY >>