Nhà ở không đơn thuần chỉ là nơi cư ngụ mà còn phản chiếu nếp nghĩ, cách sống của con người. Theo dòng chảy của thời gian, nếp nhà của người Việt xưa đến câu chuyện nhà ở của người Việt nay đã có nhiều những biến chuyển, đổi thay. Tuy nhiên, dù ở thời đại nào, sự đan chặt giữa phần cứng kiến trúc và phần mềm cuộc sống cũng cần được đề cao, gắn liền với bản sắc văn hóa người Việt.

Temu Shop

Từ nếp nhà của người Việt xưa…

Kiến trúc nhà ở của người Việt xưa chịu ảnh hưởng đậm nét của điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và hình thành nên kiến trúc bản địa: Người Việt thường chọn những vùng đồng bằng có nhiều bùn, nước thích hợp cho điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng các vật liệu sẵn có trong tự nhiên. Đối với nhà ở, có thể chia làm ba dạng: Người nghèo thì lợp tranh, vách đất, nền đất, kèo cột làm bằng tre nứa; khá hơn thì làm nhà bằng gỗ xoan, mái lợp rạ, cỏ tranh, vách bằng bùn nhào rơm, nền đất hoặc lát gạch; người giàu có, sang trọng thì làm nhà bằng gỗ có chạm trổ, mái lợp ngói, tường gạch, nền gạch…

Không chỉ phục vụ mục đích sinh tồn, ngôi nhà còn gắn với quan niệm thẩm mỹ, vì thế, cấu trúc nhà xưa thường 3 hoặc 5 gian. Xuất phát từ việc coi trọng ứng xử, kể cả ứng xử với không gian ngôi nhà, nên cha ông đã phân chia thành “chính” và “phụ” khá rõ nét: nhà chính – nhà phụ; nhà trên – nhà dưới, gian chính – gian phụ.

Nhà chính thường có bố cục 3 gian và 2 chái, nhà phụ bố cục đơn giản, chỉ thuận theo sinh hoạt và kinh tế mà xây dựng. Đối với nhà chính, gian giữa được xem là nơi vượng khí, là trái tim của ngôi nhà. Bởi thế, gian này luôn dùng để thờ cúng tổ tiên và tiếp khách. Để tôn lên vẻ đẹp của gian chính, chủ nhân thường thiết kế, bài trí công phu, trên các cột, kèo đều có chạm trổ hoa văn tinh tế, cửa chính thường được thiết kế rất rộng, đôi khi có liếp che.

Điều này còn là sự hội tụ tâm sức, tài hoa và quan niệm của nhiều thế hệ trong một kết cấu vật chất nhà ở. Người kế thừa thường sống trong sự trân trọng với quan niệm của thế hệ đi trước. Sự kế thừa này đã làm cho ngôi nhà truyền thống bền vững suốt hàng nghìn năm, ngay cả khi ngôi nhà được làm mới, thì quan niệm cũ vẫn được gìn giữ. Từ mái ngói đơn sơ, không chút cầu kỳ đến hàng cột hiên khiêm nhường và đơn giản nhưng ẩn chứa bên trong là cội nguồn và truyền thống. Chính vì thế mà ngôi nhà là một mảnh tâm hồn, là ký ức, là tình cảm gia đình vun vén từ bao đời của người Việt.

…đến chuyện nhà ngày nay

Cùng với tiến trình phát triển kinh tế và đô thị hoá, sự du nhập của văn hóa phương Tây có ảnh hưởng rất lớn đến toàn cảnh xã hội Việt Nam, nhà ở xưa kia của người Việt đã có sự thay đổi về mặt kiến trúc để trở nên hiện đại hơn, phù hợp với xu thế phát triển và nhu cầu của xã hội.

Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, trào lưu kiến trúc mới theo phong cách hiện đại tuy chưa rõ nét nhưng đã một phần thể hiện được sự hội nhập với thế giới của kiến trúc Việt Nam. Công năng sử dụng trong ngôi nhà ngày nay được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, tạo tiện nghi tốt hơn từ tường gạch đến màu sơn, gạch ốp lát, nội thất. Các phạm vi của cuộc sống hiện đại được cân nhắc kỹ lưỡng và có sẵn trong nhiều thiết kế khác nhau để đảm bảo cả khu vực trong nhà và ngoài trời đều riêng biệt và hài hòa.

Việc trang trí cho không gian nội – ngoại thất ngày càng được chú trọng khi những người cư ngụ và chủ sở hữu tòa nhà tìm kiếm sự đa dạng trong những phong cách kiến trúc khác nhau. Mới đây, Viglacera – thương hiệu vật liệu xây dựng số 1 của người Việt vừa giới thiệu các bộ sưu tập sản phẩm mới của mình, kết quả của dự án nghiên cứu lấy cảm hứng từ các vùng châu thổ của Việt Nam: Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long. Được khơi nguồn cảm hứng từ thiên nhiên, bầu khí quyển và truyền thống, văn hóa của người Việt, những bộ sưu tập này được các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm của Viglacera giải thích như những bức tranh rực rỡ sắc màu của vùng đồng bằng, nơi màu sắc của mặt trời và sông nước kết hợp với màu của thảm thực vật và đất đai. Phạm vi trang trí nội thất cho ngôi nhà Việt hiện đại sẽ được làm phong phú bởi các họa tiết trang trí khác nhau gợi nhớ phong cách văn hóa, kiến trúc của các vùng châu thổ.

Nếu “Nhà ở” là nơi cư ngụ của con người thì “kiến trúc” là những vấn đề bản sắc văn hoá và bản sắc thị giác. Dù nhà ở của người Việt có nhiều đổi thay nhưng quan niệm sống về nếp nhà vẫn còn được lưu giữ và việc kế thừa di sản nhà ở luôn cần được quan tâm. Gìn giữ những nét đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống kết hợp hài hoà những giá trị văn hoá gia đình thời hiện đại sẽ góp phần tạo nên nền tảng xã hội tốt đẹp, hình thành nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt trong dòng chảy hội nhập.