Khi mua bất động sản có nhất thiết phải có cả vợ và chồng ký tên không? Trình tự thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được pháp luật quy định như thế nào?

Cho tôi hỏi khi mua bất động sản có nhất thiết phải có cả vợ và chồng ký tên không? Tôi và vợ đã kết hôn sống cùng bố mẹ, hai vợ chồng tôi đã tích góp đủ số tiền mua được mảnh đất đầu tiên và dự định sẽ ở riêng. Nay tôi muốn mua một mảnh đất ở Khánh Hòa để xây nhà. Mà vợ tôi đi công tác ở Singapore phải 2 tháng nữa mới về. Vậy tôi xin hỏi nếu vợ tôi không ký vào hợp đồng mua đất thì có được không? Mua đất và đăng kí giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải làm như thế nào?

Mua đất có cần cả hai vợ chồng cùng ký tên không?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về tài sản chung của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Đồng thời, khoản 1 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung như sau:

1.Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này.”
Đối chiếu quy định trên, như vậy, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân này được xác định là tài sản chung, thuộc sở hữu chung của vợ chồng, do đó, khi thực hiện lập hợp đồng mua bất động sản thì các bên vẫn yêu cầu có chữ ký của cả vợ và chồng. Vợ bạn có thể ra trụ sở đại sứ quán hoặc lãnh sứ quán nơi vợ bạn đang công tác để làm thủ tục hợp pháp hóa văn bản ủy quyền cho bạn thay mặt vợ bạn ký hợp đồng mua bán và thực hiện các thủ tục đăng ký sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đó bạn sẽ thay mặt vợ bạn ký tên trên hợp đồng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu và tài sản gắn liền với đất sẽ ghi tên cả hai vợ chồng.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận sử dụng đất lần đầu được pháp luật quy định như thế nào?
Theo thông tin bạn cung cấp vợ chồng bạn đã tích góp mua được mảnh đất đầu tiên để xây dựng nhà ở thì hồ sơ như sau:

Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu được quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT và khoản 7 Điều 1 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, bao gồm:

a) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK;
b) Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;
c) Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
d) Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01/07/2004 theo Mẫu số 08a/ĐK và 08b/ĐK;
đ) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
e) Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
Căn cứ theo Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, nơi nộp hồ sơ đề nghị làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:

Trường hợp 1: Cá nhân, hộ gia đình nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu có nhu cầu.

Trường hợp 2: Cá nhân, hộ gia đình không nộp tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.

– Địa phương có bộ phận một cửa thì nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận một cửa.

– Địa phương chưa thành lập một phận một cửa thì nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký đất đai (Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nếu chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai).

LƯU Ý:
– Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo
– Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc

TƯ VẤN LUẬT TAM NGUYÊN
LIÊN HỆ: 094.6459.111
EMAIL:
[email protected]