Các trường phái phong thủy đều cho rằng bếp và bếp lò đóng vai trò quyết định đến sự thành bại, thịnh suy của mỗi gia đình. Thống kê sơ bộ cho thấy, có hơn ba mươi cấm kỵ liên quan đến bếp và kiến trúc phòng bếp, trong đó đại kỵ “bếp xung cửa chính”.  Theo nhà nghiên cứu phong thủy, giáo sư Vương Ngọc Đức (Đại học Trung Hoa – Trung Quốc), do tính chất quan trọng của phòng bếp và bếp đối với vận khí của gia trạch nên nhiều người coi việc đặt bếp là nhân tố quyết định sự thành bại của một phương án phong thủy. Cũng vì thế mà những cấm kỵ liên quan đến bếp ngày càng nhiều, vừa mê tín dị đoan, vừa ngô nghê, phản khoa học.

Phần lớn các cấm kỵ của “phong thủy hiện đại” về bếp đều bị gọt giũa, thêm bớt một cách tùy tiện. Dưới đây là những quan niệm, cấm kỵ sai lầm về bếp.

Một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên khi đặt bếp là phải có sự tương ứng với cửa và chiều cao của chủ nhà. Bếp tối kỵ đặt ngoảnh lưng với hướng nhà. Nhà quay về hướng Bắc mà mặt bếp xoay về hướng Nam là không thuận.

Cổ nhân khuyên nên để lò (bếp) nấu “tọa hung hướng cát” nghĩa là nằm ở hướng dữ nhìn về phương lành. Cửa bếp là nơi đưa củi vào đáy nồi để đốt, phải đặt quay về hướng lành, như thế mới nhanh có phúc. Bếp không quá lộ liễu khiến người ta có thể nhìn thấy ngay từ ngoài hoặc đường từ cửa đâm thẳng vào bếp, vì như vậy dễ bị hao tán tài sản.

Bệ đặt hỏa lò nên tựa vào tường cho vững chãi, tránh để góc nhọn chiếu vào khu vực nấu để không hại tới hòa khí trong nhà. Đừng đặt bếp dưới xà ngang để nữ chủ nhân bị tổn hao. Bếp đặt đối diện với nhà vệ sinh, cửa phòng ngủ thì sức khỏe cả gia đình bị ảnh hưởng. Bếp nhìn thẳng ra cửa chính hoặc sau bếp có cửa sổ đều không lành vì sợ gió thổi làm tắt đi ngọn lửa đầm ấm mang lại sung túc cho gia đình.

Bếp thuộc hỏa, kỵ nhất với khí mát lạnh của nước nên không đặt bếp quay về hướng Bắc. Không đặt bàn nấu trên rãnh, mương, đường nước và không đặt bếp kẹt giữa hai vật dụng mạnh về hành Thủy, như tủ lạnh, bồn rửa, máy giặt. Bếp phải kê trên nền cao ráo, không khí thoáng và ánh sáng đầy đủ. Chân bếp không được gập ghềnh. Tối kỵ đặt bếp nghiêng lệch, mái nhà bếp không được để dột…

Bạn đọc rất dễ nhầm lẫn, tin vào những cấm kỵ nói trên vì nó được lý giải theo quan hệ ngũ hành sinh khắc.

Để lý giải những cấm kỵ liên quan đến bếp (trong đó có vấn đề bếp xung cửa chính), trước hết cần trở lại với ngôi nhà truyền thống, gồm nhà lớn (nhà trên) và nhà bếp (nhà dưới); cả hai cùng quay ra sân hoặc thông tới sân trước nhà và thông lên nhà lớn để thuận tiện cho sinh hoạt. Khi đó, nếu nhà lớn Đông tứ trạch thì nhà bếp đặt tại một trong các hướng Nam, Bắc, Đông hoặc Đông Nam; ngược lại, nhà lớn Tây tứ trạch thì nhà bếp đặt tại một trong các hướng Tây, Tây Nam, Tây Bắc hoặc Đông Bắc. Theo mô thức này thì bếp không bao giờ “xung cửa chính”, vì cả nhà lớn và nhà bếp đều chung cái sân, đi từ hướng nào vào nhà bếp cũng phải qua sân hoặc qua hiên nhà, hành lang nối từ bếp lên nhà.

Như vậy, nhà bếp truyền thống chỉ có thể làm ở hai bên nhà lớn. Không làm nhà bếp trước hoặc sau nhà lớn là thực tế đương nhiên, để thuận tiện cho sinh hoạt của gia đình.

Trước đây, bếp còn là nơi sưởi ấm trong mùa đông nên bếp lò thường đặt ở trung tâm nhà bếp, thuận tiện để mọi người cùng quây quần sưởi ấm. Bếp lò không đặt sát tường, không đặt dưới xà ngang (trong nhà bếp) vì đun bằng cỏ rác, rơm, củi… dễ dẫn đến cháy và bất tiện khi cời tro, chất củi. Tường vách, mái bếp phải kín đáo để tránh những ngày mưa bão không đun nấu được; mùa đông gió lùa không thể sưởi ấm.

Bếp gồm nhà bếp (phòng bếp) và ông táo (bếp lò). Khi thiết kế phong thủy của bếp cần phân biệt hướng cửa bếp lò với hướng cửa nhà bếp. Nếu xây nhà bếp theo nguyên lý của phong thủy Bát trạch thì hướng cửa nhà bếp không bao giờ xung với cửa chính.

Cấm kỵ “bếp xung cửa chính” thực tế là tránh đặt ông táo thẳng hướng với cửa ra vào nhà bếp, vì nếu gió từ sân lùa qua cửa chính hoặc cửa sổ thẳng vào ông táo thì tro bụi sẽ bay tung trong bếp. Đặt ông táo thẳng hướng với cửa nhà bếp sẽ hạn chế không gian ngồi sưởi ấm của cả gia đình, bất tiện khi đi lại, chất củi quanh bếp… Mùa đông ngồi sưởi ấm mà bị gió tạt thì than tro bay hết vào mặt, thậm chí bị bỏng. Đang đun nấu bị gió lùa có thể khiến tàn lửa bén vào rơm, củi gây cháy nhà…

Thời xa xưa, khi chưa có kiềng bằng sắt hoặc gang, các gia đình thường dùng đất sét nặn thành ông đầu rau do đó kiêng đổ nước vào làm hỏng chứ không phải “phong thủy kỵ bếp gần nước, không đặt bếp trên bể nước, rãnh nước để tránh thủy hỏa tương khắc” như các quan điểm suy diễn gần đây.

Trong quan niệm dân gian có khá nhiều kiêng kỵ liên quan đến ông táo. Táo quân được coi là vị thần “định phúc” cai quản mọi việc trong gia đình. Việc cầu tự (cầu con nối dõi) bao giờ cũng liên quan tới Táo quân. Phong thủy “sửa bếp sinh con trai” vừa xuất phát từ ý nghĩa này, đồng thời lấy quy luật chu chuyển của hệ khí trường có ảnh hưởng tới bếp làm chủ đạo.

Nhiều thư tịch ghi rõ Táo quân là “Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân”, vì vậy quan niệm thần học dân gian đều cho rằng ông táo phải đặt ở vị trí thâm nghiêm, không lộ tướng. Bên cạnh đó, hầu hết các gia đình đều đặt ông táo (kiềng) trên mặt đất để đun nấu. Nếu bếp lò thẳng hướng với cửa nhà bếp thì khi mở cửa bước vào, mũi bàn chân và phần dưới cơ thể đều “úp thẳng” vào miệng ông táo, phạm tội bất kính đối với “vua bếp”…

Có thể nói, những kiêng kỵ về phong thủy liên quan đến bếp đều có nguồn gốc từ thực tế đời sống hàng ngày. Tính khoa học của nó chính là sự phù hợp với điều kiện khách quan, đồng thời thuận tiện, hiệu quả trong sinh hoạt. Sự kết hợp giữa phong thủy với các yếu tố dân gian tuy tạo ra một số cấm kỵ về bếp nhưng không mơ hồ, bất hợp lý như hiện nay.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải