Tổng quan về Đà Nẵng

Trong lịch sử dân tộc, Đà Nẵng được biết đến không chỉ là một thành phố cảng lớn nhất miền Trung Việt Nam mà còn là một địa danh gắn liền với công cuộc mở mang bờ cõi Đại Việt từ nhiều thế kỉ trước. Dấu vết của một cửa ngõ giao lưu quốc tế gắn liền với xứ Đàng Trong vẫn còn, và trong dư ba của lịch sử, đây là một tiền đồn quan trọng trong công cuộc chống ngoại xâm của hai cuộc kháng chiến thần thánh vừa qua.

Đà Nẵng xưa
Thành phố Đà Nẵng phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên- Huế, phía Tây và Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông. Trung tâm thành phố cách thủ đô Hà Nội 764km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 964km về phía Nam, cách thành phố Huế 108km về hướng Tây Bắc. Đây là một thành phố vừa có núi cao, sông sâu, đồi dốc trung du xen kẽ vùng đồng bằng ven biển hẹp.
Cảng thị Đà Nẵng
Theo ngôn ngữ Chăm, địa danh “Đà Nẵng” có thể được giải thích là “sông lớn”, “cửa sông lớn”. Địa danh này đã được ghi chú trên các bản đồ được vẽ từ thế kỉ XVI trở đi. Điều đó có nghĩa là, từ rất sớm, trong cách hình thành tên gọi, tính chất cửa sông lớn, tính chất cảng thị đã được lưu ý như một điểm quan trọng của thành phố.
Là một trong những cửa sông lớn của miền Quảng Nam (mở rộng về phương Nam), từ nhiều thế kỷ trước, kể cả khi Hội An còn đang trong thời kì phát triển rực rỡ vào thế kỉ XVII, cửa biển Đà Nẵng đã được đánh giá rất cao. Chúng ta từng biết bức tranh nổi tiếng của dòng họ Chaya Nhật Bản vẽ quang cảnh buôn bán ở Hội An. Nếu đúng như một giả thiết rằng cửa biển vẽ trong ấy là cửa biển Đà Nẵng với Ngũ Hành Sơn và con sông Cổ Cò thì không có gì ngạc nhiên khi cho rằng những chiếc tàu vượt đại dương, có trọng tải lớn, thiết bị kỹ thuật đi biển cao của các thương nhân Nhật Bản hoặc Trung Hoa đều phải lựa chọn lối vào là cửa Đà Nẵng thay vì cửa Hội An, vì ưu thế vượt trội của vịnh Đà Nẵng là nước sâu và có độ an toàn cao. Trên thực tế, từ thế kỉ thứ XVIII trở về sau, tiềm năng Đà Nẵng với tư cách là một hải cảng đã ngày càng tỏ rõ tính ưu việt của nó đối với khu vực.
Vịnh Đà Nẵng
Năm 1835, khi vua Minh Mạng có dụ: “Tàu Tây chỉ được đậu tại Cửa Hàn, còn các biển khác không được tới buôn bán” thì Đà Nẵng trở thành một thương cảng lớn bậc nhất miền Trung. Từ thời điểm này trở đi, thay vì cửa Đại Chiêm như trước đây, các quan hệ về buôn bán, ngoại giao ngày một tập trung dần vào một đầu mối chính của miền Trung là cửa biển Đà Nẵng. Nhờ vị trí và vai trò ngày càng quan trọng với miền Trung, Đà Nẵng bắt đầu phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp địa phương như những ngành sửa chữa tàu thuyền, sơ chế nông lâm sản, các dịch vụ thương mại liên quan.
Phố xưa Đà Nẵng
Năm 1858, cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu bằng cuộc tấn công vào Đà Nẵng. Sau khi thành lập Liên bang Đông Dương thì Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam với tính cách là một nhượng địa (concession) và đổi tên thành Tourane. Đơn vị hành chính này chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương thay vì triều đình Huế – tuy thị trấn này năm trong xứ Trung Kỳ.
Đầu thế kỉ 20, Tourane được Pháp xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương. Cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật sản xuất được đầu tư. Các ngành nghề sản xuất và kinh doanh hình thành và phát triển: sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu, sữa chữa tàu thuyền, kinh doanh dịch vụ. Cùng với Hải Phòng và Sài Gòn, Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng của cả nước.
Tháng 3 năm 1965, Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Năm 1967, Đà Nẵng được chính quyền Việt Nam Cộng hòa ấn định là thành phố trực thuộc trung ương và xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa cho vùng I và II chiến thuật.
Năm 1975, hòa bình lập lại, Đà Nẵng (là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng) bắt tay vào khôi phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Mặc dù còn lắm khó khăn nhưng công cuộc phục hồi và phát triển thành phố đã đạt được nhiều thành quả, nhất là thời kỳ đổi mới, sau 1986.
Người Pháp khi tấn công vào Việt Nam, lựa chọn đầu tiên của họ là Đà Nẵng. Những người Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Việt Nam cũng lựa chọn nơi này. Điều ấy chắc chắn không phải là sự ngẫu nhiên của lịch sử, mặc dù lịch sử ngoài những tất yếu, luôn ẩn chứa những yếu tố ngẫu nhiên. Tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của Đà Nẵng do vị trí đầu tiên của mình đối với miền Trung, đối với cả nước có thể được khẳng định.
Nhìn trên bản đồ, Đà Nẵng rõ ràng là điểm cuối cùng của cả một khu vực rộng lớn. Phía trước mặt là biển cả. Phía sau là Tây Nguyên. Rộng hơn nữa là cả khu vực Đông Dương bao gồm cả Lào, Campuchia, một phần Thái Lan và Myanma. Ngày nay, việc hình thành hành lang kinh tế Đông – Tây liên quan đến cửa khẩu Lao Bảo, việc mở rộng quốc lộ 24B đi qua vùng ba biên Ngọc Hồi, và trong tương lai, nếu con đường trực chỉ hướng Tây đi qua bến Giằng, vượt cửa khẩu Đăc Tà Ốc nối Đà Nẵng với vùng cao nguyên Boloven màu mỡ được đầu tư xây dựng như trong một phác thảo đầy hứa hẹn của giới nghiên cứu lưu ý thời gian gần đây, thì rõ ràng, Đà Nẵng đã được đặt vào, và sẽ phát huy hiệu quả vị trí quan trọng trong việc giao lưu thương mại và văn hóa của cả khu vực rộng lớn vùng sông Mê Kông.
Đà Nẵng nằm ở trung độ của Việt Nam, trên trục giao thông huyết mạch Bắc Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hành không, là cửa ngõ giao thông quan trọng của cả miền Trung và Tây Nguyên, là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây đi qua các nước Myanma, Lào, Thái Lan, Việt Nam.
Từ năm 1997, khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Trong hơn 10 năm qua, Đà Nẵng đã liên tục thay đổi gương mặt của mình. Chưa bao giờ trong quá trình phát triển, Đà Nẵng quyết liệt như thế trong nhu cầu tự làm mới mình. Sự phát triển Đà Nẵng vừa là nhu cầu tự thân, vừa là để đáp ứng yêu cầu của một thành phố đầu tàu có sứ mệnh liên đới trách nhiệm đối với miền Trung trong giai đoạn mới của đất nước.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng
Trước năm 1975, sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất và hiện là một trong những sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam (sau Nội Bài và Tân Sơn Nhất), sân bay này được tổ chức hàng không quốc tế xác định là điểm trung chuyển của đường bay Đông Tây. Đường hàng không Đà Nẵng có thể nối trực tiếp với Singapore, Bangkok, Seoul là một điều rất thuận lợi trong giao lưu quốc tế. Sân bay quốc tế Đà Nẵng đang được đầu tư nâng cấp với tổng số vốn 84 triệu USD, đến năm 2012 công suất đón 4 triệu lượt khách/năm. Hiện nay sân bay Quốc tế Đà Nẵng vẫn là cảng hàng không quan trọng nhất cho cả miền Trung và Tây Nguyên.
Với một vị trí đặc biệt thuận lợi về giao thông đường biển, Đà Nẵng chỉ cách cảng Hải Phòng 310 hải lý, cảng Sài Gòn 520 hải lý, cảng Macao 480 hải lý, cảng Hồng Kông 550 hải lý, cảng Manila 720 hải lý, cảng Malaysia 720 hải lý, cảng Singapore 960 hải lý, cảng Đài Loan 1030 hải lý, cảng Thái Lan 1060 hải lý…nên rất thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển. Chỉ cần khoảng hai ngày đêm là các loại hàng hóa từ các nước trong khu vực Phillippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan…đã có thể đến Đà Nẵng và ngược lại.
Là thương cảng lớn thứ 3 của Việt Nam, cảng Đà Nẵng có độ sâu trung bình từ 15-20m, có khả năng tiếp nhận các tàu lớn có trọng tải đến 28.000 tấn và có chiều dài 220m. Vịnh Đà Nẵng rộng và kín gió, là nơi neo đậu tàu thuyền rất an toàn trong mùa mưa bão. Vào những năm đầu thế kỉ 21, khi cảng Liên Chiểu với công suất 20 triệu tấn/năm được xây dựng xong thì hệ thống cảng Đà Nẵng được nối liền với cảng Kỳ Hà, Dung Quất ở phía Nam sẽ trở thành một cụm cảng liên hoàn lớn nhất nước, giữ vị trí quan trọng trên tuyến hàng hải Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Cảng Đà Nẵng
Chỉ trong mấy năm trở lại đây, Đà Nẵng đã khác trước nhiều. Những vận động nội lực đã khiến Đà Nẵng ngày càng mở rộng tầm vóc của mình. Bắt đầu từ kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở về hạ tầng giao thông, tiến hành chỉnh trang đô thị, xây dựng một môi trường mới hiểu theo nghĩa rộng, tạo điều kiện cho công cuộc phát triển mới. Khai thác tốt những lợi thế sẵn có, trong những năm qua Đà Nẵng đã có những biến đổi rõ rệt về nhịp độ và khí thế phát triển. Tốc độ GDP bình quân tăng cao hơn mức bình quân chung của cả nước, giá trị sản xuất các mặt hàng công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản phát triển toàn diện … kim ngạch xuất khẩu tăng, các ngành du lịch thương mại, dịch vụ chuyển biến tích cực.
Cầu Sông Hàn
Trước đây nhiều người từng than phiền cho sự manh mún già cỗi của công nghiệp Đà Nẵng, bây giờ mọi chuyện đã khác. Chủ trương lấy công nghiệp làm đòn bẩy phát triển, cơ cấu kinh tế Đà Nẵng có chuyển dịch đáng kể theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ phù hợp với xu thế chung của cả nước và những đô thị lớn. Để chuẩn bị cho một cuộc bức phá của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với vai trò đầu tàu của mình, những năm qua, Đà Nẵng đã nỗ lực cải thiện hình ảnh và vị thế của mình để đáp ứng yêu cầu chung của khu vực.
Với vị thế là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Đà Nẵng là nơi hội tụ các công ty lớn của các ngành dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng…Ngành công nghiệp của thành phố Đà Nẵng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20% /năm. Thành phố đang đề ra mục tiêu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Việt Nam, trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.
Chợ Cồn
Đà Nẵng hiện có hai chợ lớn nhất nằm ở trung tâm thành phố là chợ Hàn và Chợ Cồn; cùng với những siêu thị lớn mới mở trong vòng vài năm trở lại đây như Bài Thơ Plaza, đại siêu thị Big C (Vĩnh Trung Plaza), siêu thị Intimex, siêu thị Co.op Mart…Đây là những trung tâm thương mại chủ yếu của Đà Nẵng.
Ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, Đà Nẵng hiện là trung tâm lớn nhất của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, với hơn 40 ngân hàng thương mại nhà nước, thương mại cổ phần, liên doanh, và công ty tài chính đang hoạt động, cùng với hàng chục trung tâm giao dịch chứng khoán quy mô lớn…

Công viên Phần mềm Đà Nẵng
Đà Nẵng hiện được xem là một trong ba trung tâm bưu chính lớn nhất nước với tất cả các loại hình phục vụ hiện đại và tiện lợi, như điện thoại cố định, điện thoại di động, điện thoại thẻ, máy nhắn tin, Internet…, chuyển tiền nhanh, chuyển phát nhanh, điện hoa…Mạng lưới viễn thông của thành phố hiện nay gồm 2 tổng đài chính và 12 tổng đài vệ tinh với dung lượng hơn 40.000 số. Chất lượng và số lượng các dịch vụ viễn thông ngày càng được nâng cao nhờ vào khai thác, sử dụng những công nghệ hàng đầu thế giới như mạng Viba số PDH – 140Mb/s, mạng cáp quang SDH – 2,5bb/s tổng đài Toll AXE-10… các tuyến cáp quang biển quốc tế, khu vực và quốc gia, đặc biệt là tuyến cáp quang biển SMW3 đã và sẽ đưa vào khai thác sử dụng cho phép Bưu điện Đà Nẵng nâng cao hiệu quả kinh doanh, phục vụ lên ngang tầm các nước trong khu vực.
Ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên cho Đà Nẵng, thành phố còn được bao bọc bởi ba Di sản văn hóa thế giới: Huế, Hội An, Mỹ Sơn. Xa hơn một chút nữa là di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia phong Nha – Kẻ Bàng. Vì thế Đà Nẵng được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản miền Trung. Nhờ vậy Đà Nẵng được xem là thành phố của du lịch, thành phố của những di tích và của những danh lam thắng cảnh. Do nằm trong một địa hình đặc biệt, có núi rừng, trung du, đồng bằng, biển cả…Đà Nẵng mang trong mình một vẻ đẹp đa dạng. Có cái hùng vĩ, phóng khoáng của núi cao và cái mênh mông, trữ tình của biển cả; có cái mềm mại, khỏe khoắn của sông ngòi và cũng có những góc khuất, những đường vòng của đèo cao; có cái mơ mộng, dịu dàng của bờ cát, của bến sông và cũng có cái tráng lệ, mạnh mẽ của phố xá, của những tượng đài, cao ốc …

Một góc thành phố nhìn từ bán đảo Sơn Trà
Đến Đà Nẵng du khách có thể thưởng thức những giây phút tuyệt vời trên đỉnh núi, trong rừng sâu hay bên bờ sông, bãi biển; có thể tận hưởng hưởng những dịch vụ lưu trú với chất lượng quốc tế tại các khu du lịch đạt tiêu chuẩn 4-5 sao như Furama, Sandy Beach, Sơn Trà Resort & Spa…hay những khu du lịch sinh thái trong lành như Suối Lương, Bà Nà, Sơn Trà, Non Nước…
Tính đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng nhiều dự án du lịch được cho phép đầu tư với tổng vốn đầu tư hành tỷ USD. Trong đó, nhiều dự án thu hút nhiều tập đoàn lớn như Vina Capital, Indochina Capital…đầu tư vào các sân golf, khách sạn, resort cao cấp …
Đầu tư cho y tế, giáo dục bảo đảm cuộc sống có chất lượng cao cho người dân là một mục tiêu quan trọng trong những nỗ lực của thành phố này. Trong thời điểm hiện tại, Đà Nẵng hiện có 18 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 11 bệnh viện và trung tâm y tế quận huyện, 47 trạm y tế xã phường với hơn 900 phòng khám chữa bệnh tư. Đặc biệt, trong một quyết tâm rất cao, Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào hoạt động Bệnh viện Phụ nữ, kêu gọi sự đóng góp của nhiều thành phần xã hội đầu tư cho bệnh viện Ung thư, từng bước tạo điều kiện cho người dân thành phố và khu vực lân cận giảm nhẹ những gánh nặng về chi phí chữa bệnh khi đối đầu với những căn bệnh hiểm nghèo vốn lâu nay chỉ trông đợi vào những trung tâm y tế lớn ở hai đầu đất nước. Cùng với sự hình thành của trường đại học Y Dược và trường Đại học Kỹ thuật Y tế trên địa bàn thành phố, Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm y tế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước, cung cấp nguồn nhân lực và dịch vụ y tế chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Là một trung tâm giáo dục đào tạo lớn nhất của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh), hiện nay, Đà Nẵng có 15 trường Đại học, học viện, 17 trường cao đẳng; nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề và hơn 200 trường học từ bậc học phổ thông tới ngành học mầm non.
Đại học Đà Nẵng hiện có 1890 cán bộ, công chức, trong số đó có 130 cán bộ giảng dạy. Chất lượng đội ngũ không ngừng được nâng cao. Hiện nay, 20% cán bộ giảng dạy của trường có trình độ tiến sĩ và 70% có trình độ thạc sĩ.
Để tăng cường đội ngũ cán bộ giảng dạy đủ sức đảm đương nhiệm vụ dạy học nghiên cứu ứng dụng trong tương lai, những năm gần đây Đại học Đà Nẵng đã tuyển dụng thêm nhiều giảng viên mới và gửi ra nước ngoài đào tạo sau đại học bằng các nguồn kinh phí khác nhau.

Hợp tác quốc tế trong đào tạo tại Đại học Đà Nẵng
Theo đề án phát triển Đại học Đà Nẵng đến năm 2015 đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, sắp tới trên địa bàn thành phố sẽ có thêm một số trường đại học và viện nghiên cứu được thành lập như: Đại học Quốc tế, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Y Dược (Nâng cấp từ khoa Y Dược hiện nay), Đại học Kỹ thuật Y tế (Nâng cấp từ trường Cao đẳng Kỹ thuật Y tế TW II), Đại học Mở, Viện Đào tạo Sau Đại học…
Chú trọng đến việc đào tạo nhân lực lâu dài vì sự phát triển thành phố, hệ thống trường phổ thông các cấp ở Đà Nẵng được đầu tư đáng kể. Trong đó các trường phổ thông chuyên như Nguyễn Khuyến, Lê Quý Đôn được xem như là mũi nhọn chủ lực cho việc cung cấp đầu vào cho các trường Đại học. Những năm qua, từ những ngôi trường này, các thế hệ trí thức trẻ Đà Nẵng được ươm mầm và trưởng thành bước đầu có những đóng góp tích cực cho thành phố.
Trong quá khứ ở vào những thời điểm cam go và quan trọng nhất của lịch sử, người Đà Nẵng luôn biết tìm ra những cách ứng xử thích hợp nhất, đúng đắn nhất, có lợi nhất…cho sự tồn tại và phát triển của mình. Đà Nẵng ở đâu trong cuộc canh tân mới của đất nước, Đà Nẵng có vai trò như thế nào đối với sự phát triển chung của miền Trung và với cả nước, câu trả lời không chỉ của riêng người Đà Nẵng.
Bây giờ, không chỉ những người từ xa đến, đi xa về, mà ngay cả những người đang sống trong lòng Đà Nẵng hiện nay đôi khi cũng tự hỏi là làm sao, bằng cách nào mà Đà Nẵng trong một thời gian không dài đã có thể nhanh chóng thay đổi được bộ mặt của mình.

Lung linh cầu Thuận Phước
Có thể có nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng có điều dễ nhận thấy là đang có một quyết tâm chung, nỗ lực chung của mọi công dân thành phố, từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường, từ Đảng bộ thành phố đến các tổ chức Đảng, đoàn thể cơ sở… Giống như đã đứng trước nhiều biến cố quan trọng của lịch sử, sự đồng thuận xã hội trong đó có sự đóng góp to lớn của người dân đã làm thay đổi diện mạo thành phố, đem lại cho mảnh đất này một sức mạnh lớn lao, tạo đà cho những bước tiếp theo trên con đường phát triển đi về tương lai của thành phố.
Đứng bên bờ biển Đông quanh năm sóng vỗ, con người miền Trung vốn đã được thử thách từ trong bản chất có cứng mới đứng đầu gió. Từ xa xưa những chiếc thuyền vượt biển và thái độ ứng xử với biển của người Chăm cho thấy miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng từng là một xứ sở hùng mạnh về kinh tế biển.

Thiên nhiên và con người Đà thành
Ngày nay, không chỉ đứng đầu gió, người miền Trung đang đứng ở ngã tư của con đường giao lưu quốc tế từ Ấn Độ xuyên qua Thái Bình Dương. Thời đại hội nhập cùng với những cơ hội mới mở ra những chân trời cho những con tàu với nhiều tham vọng, Đà Nẵng sẽ phải là đầu tàu cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tiến ra biển lớn.
Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới và thách thức mới khi gia nhập WTO, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vươn ra biển lớn. Đà Nẵng từ xưa đến nay là một cửa biển lớn, cửa biển hiểu theo nhiều nghĩa, là cảng thị và cũng là vùng đất mở, vùng đất của hội nhập, phát triển. Đà Nẵng sẽ có nhiều thời cơ và cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực … Lịch sử hình thành và phát triển của Đà Nẵng bảo đảm một sự tin cậy. Những tín hiệu mới của thành phố này trong giai đoạn hiện tại càng bảo đảm cho sự tin cậy ấy. Con đường phía trước đòi hỏi phải nhiều phấn đấu nhưng Đà Nẵng sẽ phát triển vì sự sống còn của mình, và cũng để xứng đáng với vị thế của mình là thành phố động lực cho cả miền Trung và Tây Nguyên, xứng đáng với vai trò mà cả nước giao phó.
( Theo Đà Nẵng toàn cảnh – NXB Đà Nẵng, 3. 2010 )