Sổ trắng là gì? Các văn bản pháp luật của Việt Nam chưa quy định cụ thể về khái niệm sổ trắng mà đây là cách người dân quen gọi các loại giấy tờ nhà đất cũ dựa trên màu sắc.

Temu Shop

Cụ thể, sổ trắng có rất nhiều loại:

  • Cấp trước ngày 30/4/1975 có Văn tự đoạn mại bất động sản, Bằng khoán điền thổ;
  • Cấp sau ngày 30/4/1975 có giấy phép mua bán nhà, giấy chứng nhận (hoặc quyết định), giấy phép xây dựng của UBND cấp huyện công nhận quyền sở hữu nhà ở…
    Hiện nay, sổ trắng được dùng để chỉ một số giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18, Nghị định 43/2014/NĐ-CP bao gồm:

Văn tự mua bán nhà ở, trao đổi nhà ở, tặng cho nhà ở, thừa kế nhà ở gắn liền với đất có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
Văn tự đoạn mãi bất động sản (nhà ở và đất ở) có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
Bằng khoán điền thổ.
Giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật, giấy tờ thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ địa chính, Sổ đăng ký ruộng đất trước ngày 15/10/1993.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 84/2008/NĐ-CP, bắt đầu từ ngày 01/01/2008, những loại giấy trắng khi giao dịch thì phải đổi sang giấy hồng, giấy đỏ.

Các loại giấy trắng chỉ là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nhưng có ghi diện tích đất khuôn viên thì được công nhận quyền sử dụng đất gắn liền. Vì thế, những trường hợp này sẽ được chuyển đổi thành giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sổ hồng mới).

Hồ sơ chuyển từ sổ trắng sang sổ hồng
Khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định, khi đổi từ sổ trắng sang sổ hồng, cá nhân, hộ gia đình cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau:

Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK
Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP
Hai bản chính bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở do tổ chức có tư cách pháp nhân về đo vẽ nhà đất lập
Hai bản sao chứng thực chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, hộ khẩu của chủ nhà ở, đất ở
Chứng từ thể hiện nghĩa vụ tài chính và giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có)
Người dân có thể lựa chọn một trong ba cách thức nộp sau:

Nộp bản chính giấy tờ
Nộp bản sao giấy tờ đồng thời xuất trình bản chính để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu và xác nhận vào bản sao
Nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng/chứng thực theo quy định của pháp luật

Trình tự chuyển đổi sổ trắng sang sổ hồng
Bước 1. Nộp hồ sơ

Cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu chuyển từ sổ trắng sang sổ hồng mang các loại giấy tờ cần thiết nêu trên đến nộp tại UBND cấp xã nơi có đất. Nếu không nộp tại UBND cấp xã thì có thể nộp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đai cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện nếu địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính.

Bước 2. Thẩm định hồ sơ

Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ đổi sổ trắng sang sổ hồng, tiến hành kiểm tra hồ sơ và xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi Giấy chứng nhận. Đồng thời, lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyefn sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tiến hành chỉnh lý, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Bước 3. Trả kết quả

Văn phòng đăng ký đất đai trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã. Người nộp hồ sơ đến nhận kết quả theo thời gian ghi trên giấy hẹn.