Theo quy định pháp luật hiện hành, việc hàng xóm không chịu ký giáp ranh không phải là lý do để từ chối cấp sổ đỏ nếu bạn đáp ứng đủ các điều kiện khác.
Quy trình xử lý khi hàng xóm không chịu ký giáp ranh:
- Thỏa thuận: Bạn nên cố gắng thỏa thuận với hàng xóm để họ ký vào biên bản xác nhận ranh giới. Điều này giúp tránh những tranh chấp sau này.
- Hồ sơ đầy đủ: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định, bao gồm cả biên bản đo đạc địa chính, trong đó có ghi chú rõ ràng về việc hàng xóm không ký giáp ranh.
- Nộp hồ sơ: Nộp hồ sơ lên Văn phòng Đăng ký đất đai. Cơ quan chức năng sẽ xem xét và giải quyết theo quy định.
- Thông báo: Trong quá trình giải quyết, cơ quan chức năng sẽ thông báo cho hàng xóm của bạn để họ có cơ hội trình bày ý kiến.
- Giải quyết: Nếu không có tranh chấp về ranh giới, cơ quan chức năng sẽ tiến hành cấp sổ đỏ cho bạn.
Lưu ý:
- Việc hàng xóm không ký giáp ranh có thể làm chậm quá trình cấp sổ đỏ.
- Nếu có tranh chấp về ranh giới, bạn có thể phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương hoặc tòa án để giải quyết.
3 điều về ký giáp ranh khi làm Sổ đỏ người dân cần nắm rõ
Ký giáp ranh khi làm Sổ đỏ trên thực tế phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhiều trường hợp người dân không được cấp Sổ đỏ vì hàng xóm không chịu ký giáp ranh. Để không bị vướng mắc và biết cách giải quyết, người dân cần thiết phải nắm rõ quy định về ký giáp ranh.
1. Làm Sổ đỏ có cần ký giáp ranh?
Để trả lời cho câu hỏi khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) có phải ký giáp ranh hay không thì cần xem thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận thực hiện như thế nào.
Căn cứ Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thủ tục đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân gồm các bước như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
Bước 4: Trả kết quả.
Xem chi tiết: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trong các bước trên thì bước 3 nhiều công việc cần thực hiện nhất. Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thực hiện các công việc như sau:
(1) Xác nhận hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký; trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp, sự phù hợp với quy hoạch.
(2) Trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì trước khi thực hiện công việc tại mục (1), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải thông báo cho Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trích đo địa chính hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính do người sử dụng đất nộp (nếu có).
(3) Niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, tình trạng tranh chấp, xác nhận hiện trạng, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và khu dân cư nơi có đất trong thời hạn 15 ngày.
Xem xét giải quyết ý kiến phản ánh về nội dung công khai và gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
Trường hợp, nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện những công việc sau:
(1) Nếu hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai thì gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để lấy ý kiến xác nhận và công khai kết quả như nội dung mà Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định trên.
(2) Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới đã thay đổi hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có).
(3) Kiểm tra hồ sơ đăng ký; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận vào đơn đăng ký.
(4) Cập nhật thông tin thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có).
(5) Gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu tiền, trừ trường hợp không thuộc đối tượng phải nộp nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ.
(6) Chuẩn bị hồ sơ để trình ký cấp Giấy chứng nhận và trao Giấy chứng nhận, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Như vậy, hàng xóm ký giáp ranh không phải là thủ tục riêng khi cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, việc ký giáp ranh là cách phổ biến và dễ nhất để xác định có hay không có tranh chấp với người sử dụng đất liền kề (trên thực tế đều ký giáp ranh).
2. Hàng xóm không ký giáp ranh vẫn được nộp hồ sơ cấp Sổ đỏ
Khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định những trường hợp từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, trong đó nêu rõ:
“…
Khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất;”.
Như vậy, không có quy định từ chối tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận vì lý do hàng xóm không ký giáp ranh.
3. Hàng xóm không chịu ký giáp ranh xử lý thế nào?
Khi hàng xóm không chịu ký giáp ranh thì có một số cách xử lý như sau:
– Vẫn nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo quy định: Như đã viện dẫn căn cứ pháp lý và phân tích ở trên thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được từ chối hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận của người đang sử dụng đất nếu không thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT.
– Đề nghị cơ quan cấp Giấy chứng nhận trả lời bằng văn bản về việc từ chối thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận vì lý do hàng xóm không chịu ký giáp ranh
Theo thủ tục cấp Giấy chứng nhận thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sẽ niêm yết công khai hiện trạng thửa đất, tình trạng tranh chấp,… tại trụ sở Ủy ban và khu dân cư nơi có đất trong thời hạn 15 ngày và xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh (nếu có).
Theo quy định trên thì có thể thấy điều kiện được cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hợp pháp không hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến của người sử dụng đất liền kề.
– Tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai nếu hàng xóm không chịu ký giáp ranh và có đơn tranh chấp
Khi giải quyết hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận nếu có đơn tranh chấp thì sẽ tạm dừng thực hiện thủ tục và cơ quan nhà nước sẽ hướng dẫn các bên thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định.
Ngoài ra, nếu hàng xóm không chịu ký giáp ranh và có hành vi cố ý ngăn cản việc cấp Giấy chứng nhận của người sử dụng đất hợp pháp thì có thể khởi kiện đối với hành vi cản trở đó.
Trên đây là một số quy định về ký giáp ranh khi làm Sổ đỏ mà người dân cần nắm rõ. Quy định tại bài viết là những quy định chung nên không thể giải quyết được hết những trường hợp phát sinh trên thực tế.