Mộc là một khái niệm không xa lạ gì với người Việt và có từ rất lâu đời trong mỗi gia đình như: Đôi đũa mộc, đôi guốc mộc, trà mộc… Mộc là bản chất thật, những giá trị văn hoá được coi là bất biến của dân tộc chính là những cái mộc nhất nó không cần son phấn và tô vẽ.
Mộc trong đời sống
Trà mộc tức là trà không ngâm tẩm, không cho thêm bất cứ hương liệu nào, không hầm chung với bất cứ loại thảo dược nào, hoá chất phụ gia nào. Trà xanh được hái về phơi thật khô pha nước sôi thưởng thức hương vị mộc.
Sáng tạo theo phong cách mộc và thưởng thức mộc được coi là một trường phái riêng biệt trên thế giới. Người Nhật tự hào là một dân tộc sáng tạo ra “kiểu sống mộc”; bạn hãy xem đôi đũa của người Nhật bằng gỗ, hay bằng tre đều không sơn phủ một cái gì bên ngoài. Nhìn rộng ra ta thấy đồ ăn của họ như cá ngừ đại dương, thịt, đậu không ngâm tẩm… mà thưởng thức nguyên vị mộc và điều này nâng lên thành một triết lý.
Bạn có thấy ông nội mình những ngày giáp tết chọn những lóng tre già vàng óng, rồi chẻ ra phơi khô, vót những đôi đũa tre mộc, đũa cái dùng cho bới cơm, đũa con dùng ăn cơm; đôi đũa tre mộc thẳng, không bị gãy khi dùng và xài được rất lâu. Rồi đôi guốc mộc bán ở ngoài chợ, được làm bằng gỗ, rất nhẹ dùng cho phụ nữ đi lại trong nhà sau khi sinh, mong cho bệnh tật qua đi, sức khoẻ qua mỗi lần “vượt cạn”.
Ngược lại người Trung Quốc họ lại không để cái gì mộc cả, tất tần tật được sơn, dát, phủ đắp một lớp áo bên ngoài từ đồ gỗ đến gốm sứ trong nhà, từ kim loại đến nhà cửa, cung điện nguy nga tráng lệ.
Bạn cũng như tôi có khi nào nắm bàn tay mộc của mẹ, nhìn đôi bàn tay mẹ già đi theo năm tháng, bạn sẽ thấy những nếp nhăn trên đôi bàn tay và khoé mắt, hằn sâu, chứa đựng bao nhọc nhằn, có chăng chỉ còn lại môi đỏ do mẹ ăn trầu.
Kiến trúc mộc
Có một số người cho rằng: Công trình kiến trúc mộc là công trình trong trạng thái nguyên thuỷ như vốn dĩ nó sinh ra – Đó là những công trình được xây bằng gạch đá rêu phong cổ kính.
Kiến trúc mộc tại Tuy Hoà đầu tiên phải kể đến Tháp Nhạn, là công trình kiến trúc tiêu biểu của người Chăm xưa, tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12, trên núi Nhạn, là nơi thờ phụng chúa thiêng Yana. Tháp thể hiện nền văn minh phát triển rực rỡ ở khu vực Đông Nam Á, sự giao thoa của hai nền văn hoá lớn Ấn Độ và Đại Việt vào văn hoá kiến trúc Champa.
Đứng trước Tháp Nhạn, một Di tích Quốc gia đặc biệt, càng đặc biệt hơn bởi không có bất kỳ công nghệ nào tham gia, mà chỉ có đất với đất – Ấy cũng là lúc chúng ta tự hỏi điều gì đã xảy ra với một vương quốc hàng trăm năm vang bóng.
Có dịp đến với khu du lịch nghỉ dưỡng Resort Bãi Tràm ở thị xã Sông Cầu, một khu nghỉ dưỡng cao cấp bên bờ biển xanh, ta sẽ bắt gặp những ngôi nhà kiến trúc: Tường được lèn bằng đất, gạch xây thô không trát, mái lợp bằng lá dừa nước, sàn nhà lát gạch đất nung; các dụng cụ trong nhà như chum, vại bằng sành đựng nước, gáo dừa múc nước trong buồng tắm; rồi chỏng tre, bàn ghế tre, đèn trang trí bằng tre…Tất cả như đưa ta về với đời sống hoang sơ.
Rồi ra chùa Thanh Lương ở làng biển Long Thuỷ, nơi đây có những tường rào được xếp mộc bằng đá san hô cả trăm năm, có bức tượng Phật bằng gỗ với hình dáng, đường nét đẹp tuyệt mỹ từ ngoài biển khơi, được ngư dân đưa về thờ phụng, tượng rất linh thiêng. Chánh điện mới xây bên ngoài được ốp lát đá san hô, trang trí mộc, hút âm và ánh sáng. Đứng trước công trình ta như lạc vào những làn điệu dân ca Bài Chòi, hò Bá Trạo của văn hoá làng biển; nơi có dừa xanh, bờ cát trắng, đảo xa, có những thảm san hô rộng lớn, đủ sắc màu lung linh dưới nước mà các nhiếp ảnh gia gọi là “loài hoa biển”.
Đến với Gành Đá Đĩa một Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt, nơi đây mỗi khoảng khắc cho ta một cảm giác khác lạ “một toà lâu đài” có hàng triệu năm về trước, rất mộc chỉ có đá và đá được sắp đặt tuyệt vời, nhô lên từ biển xanh. Trên đường đi bạn hãy ghé vào làng đá Phú Hạnh (xã An Ninh Đông) ở đây tường nhà, chuồng trại nuôi gia súc, tường rào, giếng nước, đường đi, thậm chí cả những ngôi mộ cũng được xếp bằng đá, trông đơn sơ mộc mạc; thế nhưng ở trong nhà mộc này mùa hè rất mát, mùa đông lại ấm, lại có giếng đá mộc nước trong xanh.
Về Tuy Hoà ta hãy đến Khu du lịch nghỉ dưỡng Gozo trên đường Độc Lập, tới đây ta không bàn về đồ ăn, nước uống, mà đang đi xem kiến trúc mộc của các nhà hàng này. Đó là những công trình cột, kèo, đòn tay, rui, mè được làm bằng tre, liên kết các bộ phận buộc chặt bằng lạt (không dùng đinh), nhà có đường nét thanh nhã, tạo ra không gian sinh động, mái nhà được lợp bằng lá dừa nước, tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo. Ngồi tại đây, khi gió biển tràn về mát rượi, tâm hồn ta như trút bỏ những nhọc nhằn, tất cả như đang bay theo tiếng nhạc du dương.
Từ trong nhà hàng Gozo, nhìn ra tháp Nghinh Phong nghe gió reo vi vút, một bài ca Phú Yên được viết nên từ gió: Công trình khá cao, trông hình dáng tựa như mũi tàu đang vượt sóng biển Đại Dương. Toàn bộ công trình từ nền tháp lên ngọn tháp được ốp, lát bằng những phiến đá granit rất tinh vi; loại vật liệu có nhiều ở Phú Yên và có độ bền vĩnh cửu.
Còn rất nhiều các công trình đình chùa, miếu mộ có kiến trúc mộc hàng trăm năm tuổi ở Phú Yên. Mộc đang được tôn vinh không chỉ trong đời sống, văn hoá và tinh thần, mộc đi vào các công trình kiến trúc và nhiều loại hình nghệ thuật khác mà con người hôm nay đang hướng tới.
KTS Hoàng Xuân Thưởng
Tạp chí Kiến trúc