Sáng 15-3, tại cuộc họp triển khai phát triển du lịch đường thủy nội địa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai các thủ tục, công việc liên quan và làm việc với Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc để đưa vào khai thác tuyến du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng – Lý Sơn, xuất bến từ cảng Sông Hàn vào ngày 29-3. 

Cảng Sông Hàn là nơi xuất bến của tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Cảng Sông Hàn là nơi xuất bến của tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng – Lý Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch phối hợp các địa phương, đơn vị triển khai những công việc liên quan để công bố bến thủy nội địa đối với cầu cảng K20 (sông Cổ Cò) vào ngày 29-3; sớm đưa vào khai thác các tuyến du lịch đường thủy tại bến CT.15 (bán đảo Sơn Trà) và có hướng dẫn về quy chuẩn để các doanh nghiệp, chủ tàu đầu tư phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động đồng bộ, an toàn…

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng nghiên cứu bổ sung quy hoạch, xây dựng các bến tàu trong quá trình thiết kế, thi công các tuyến kè dọc sông Cu Để để vừa phát triển du lịch đường thủy lên đến thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), vừa phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai.

UBND huyện Hòa Vang và UBND quận Cẩm Lệ cần phối hợp để đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy dọc tuyến sông Cẩm Lệ, Túy Loan, nhất là các sản phẩm du lịch ở trên bờ sát các bến để du khách dừng chân. Đồng thời có những hướng dẫn cụ thể về kích cỡ tàu, thuyền để người dân, doanh nghiệp đầu tư, khai thác.

“Hiện nay, các chủ tàu và doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn về khai thác du lịch đường thủy nên các sở, ngành, đơn vị cần có những hướng dẫn cụ thể, nhất là quy chuẩn để người dân đầu tư, khai thác sao cho đồng bộ. Mặt khác, cần xem du lịch đường thủy là một sản phẩm du lịch mới và hấp dẫn nên các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh thông tin, quảng bá, kết nối tour, tuyến du lịch, đặc biệt là phải để du lịch đường sông hoạt động liên tục, thay vì hạn chế thời gian như hiện nay và phía trên bờ, bến cũng phải có các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách trải nghiệm, khám phá”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn yêu cầu.

Theo báo cáo của Sở Du lịch, hiện trên địa bàn thành phố có 10 doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy với 28 tàu đang hoạt động có tổng sức chứa hơn 2.000 chỗ ngồi, được đóng mới hoàn toàn, bảo đảm các quy chuẩn và được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Thời gian qua, khách du lịch đường thủy chủ yếu là đi trên tuyến cảng Sông Hàn đến cầu Trần Thị Lý (chiếm 95% tổng lượt khách du lịch đường thủy), còn lại là đi tuyến cảng Sông Hàn đến Hòn Chảo.

Thời gian qua, thành phố đã hoàn thành xây dựng 4 bến thuyền du lịch là CT.15, K20, Thái Lai, Túy Loan. Trong 2 năm 2022 và 2023, thành phố đầu tư xây dựng, nâng cấp 10 cảng, bến thủy nội địa.

HOÀNG HIỆP (BÁO ĐÀ NẴNG)