Căn cứ theo Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị 2009: (Link: https://moc.gov.vn/vn/Pages/ChiTietVanBan.aspx?vID=2301&TypeVB=0 )
“Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn.”
1. Tiêu Chí Phân Loại Đô Thị Tại Việt Nam
Theo Nghị định số 02/2009/NĐ-CP, một đơn vị hành chính được phân loại là đô thị phải đảm bảo các tiêu chí sau:
Chức năng: Là trung tâm tổng hợp về kinh tế, chính trị, hành chính, văn hóa hoặc trung tâm chuyên ngành, cấp quốc gia, cấp vùng liên tỉnh, cấp tỉnh, cấp huyện hoặc là trung tâm của vùng trong tỉnh.
Vai trò: Góp phần thúc đẩy vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc một vùng lãnh thổ nhất định.
Quy mô dân số: Đạt từ 4000 người trở lên.
Mật độ dân số được tính trong nội thành, nội thị và đảm bảo phù hợp quy mô, tính chất, đặc điểm theo từng loại đô thị.
Hệ thống cơ sở hạ tầng gồm hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo đạt yêu cầu, được đầu tư xây dựng đồng bộ và mức độ hoàn thành phù hợp theo từng loại đô thị, hạn chế tối đa việc xây dựng phát triển đô thị gây ô nhiễm môi trường.
Kiến trúc và cảnh quan đô thị phải đảm bảo theo quy chế quản lý đô thị, trên 60% trục phố chính đạt tuyến phố văn minh, có các tổ hợp kiến trúc hoặc công trình kiến trúc mang ý nghĩa quốc tế và quốc gia, có không gian công cộng phục vụ đời sống tinh thần của người dân trong khu vực.
2. Các Đô Thị Nước Ta Hiện Nay
Theo Nghị định số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, hiện nay Việt Nam có 6 loại đô thị là loại I, II, III, IV, V và loại đặc biệt. Trong đó, các đô thị lớn nước ta hiện nay có thể kể đến là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang,…
Vai Trò, Chức Năng Của Từng Loại Đô Thị
Theo Nghị định, các loại đô thị nước ta hiện nay có chức năng và vai trò như sau:
Đô thị loại Đặc biệt:
Là thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia về kinh tế, chính trị, hành chính, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học, công nghệ. Là đầu mối giao thông, giao lưu trong và ngoài nước. Đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Đô thị loại I:
Là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng liên tỉnh hoặc cấp tỉnh về kinh tế, chính trị, hành chính, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học, công nghệ. Là đầu mối giao thông trong nước và quốc tế.Đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và vùng liên tỉnh.
Đô thị loại II:
Là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp vùng liên tỉnh hoặc cấp tỉnh về kinh tế, chính trị, hành chính, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học, công nghệ. Là đầu mối giao thông của vùng hoặc tỉnh.Đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và vùng liên tỉnh.
Đô thị loại III:
Là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh về kinh tế, chính trị, hành chính, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học, công nghệ. Là đầu mối giao thông của tỉnh.Đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và vùng liên tỉnh.
Đô thị loại IV:
Là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh hoặc cấp huyện về kinh tế, chính trị, hành chính, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học, công nghệ. Là đầu mối giao thông của tỉnh và huyện. Đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện, tỉnh và vùng liên tỉnh.
Đô thị loại V:
Là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo. Là đầu mối giao thông của huyện.Đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện và cụm liên xã.