* Địa hình núi cao: Tại Đà Nẵng, địa hình núi cao phân bố ở phía Tây và Tây Bắc của thành phố, ở các xã: Hoà Bắc, Hoà Liên, Hoà Ninh, Hòa Phú (huyện Hoà Vang) với độ cao trung bình từ 500 – 1.000m, gồm nhiều dãy núi nối tiếp nhau đâm ra biển, đây là vùng địa hình có độ chia cắt mạnh, một số thung lũng xen kẽ với núi cao như Bà Nà (1.487m), Hoi Mít (1.292m), Núi Mân (1.712m).
* Địa hình đồi gò: Phân bố ở phía Tây, Tây Bắc thành phố, gồm các xã Hoà Liên, Hoà Sơn, Hoà Nhơn, Hoà Phong và một phần các xã Hoà Khương, Hoà Ninh (huyện Hoà Vang). Đây là khu vực chuyển tiếp giữa núi cao và đồng bằng, đặc trưng của vùng này là dạng đồi bát úp, bạc màu, các loại đá biến chất, thường trơ sỏi đá, có độ cao trung bình từ 50 – 100m, ở đây có nhiều đồi lượn sóng, mức độ chia cắt ít, độ dốc thay đổi từ 30 – 80m.
* Địa hình đồng bằng: Phân bố chủ yếu ở phía Đông thành phố, dọc theo các con sông lớn: Sông Yên, sông Tuý Loan, sông Cẩm Lệ, sông Vĩnh Điện, sông Cu Đê, sông Hàn và dọc theo biển. Địa hình đồng bằng bị chia cắt nhiều và nhỏ, hẹp, có nhiều hướng dốc, dọc theo bờ biển. Đây là vùng địa hình tương đối thấp, tập trung dân cư, nhiều cơ sở nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, quân sự và các khu chức năng của thành phố.
Đà Nẵng có địa hình thay đổi lớn về độ cao, từ 50m dọc theo bờ biển từ Đông sang Nam, đến 1.450m tại núi Bà Nà ở phía Tây và đạt đỉnh tại 1.700m dọc theo dãy Bạch Mã ở phía Bắc. Với địa hình như vậy tạo ra phong cảnh đa dạng với cảnh quan độc đáo cho thành phố. Tuy nhiên, do độ dốc lớn nên trong mùa mưa, vùng trũng thấp ven biển dễ bị ngập lụt.
Về độ dốc, hơn 40% diện tích của Đà Nẵng có độ dốc trên 30%, không phù hợp để phát triển đô thị và chỉ có 38,4% đất có độ dốc dưới 10% không bị hạn chế phát triển. Việc phát triển đô thị bị hạn chế rất nhiều ở các khu vực phía Nam và phía Đông của Đà Nẵng, nơi có phần lớn các đô thị đã phát triển.
CỔNG TTĐTTP TỔNG HỢP