TMD là đất gì?
Để biết đất TMD là đất gì, chúng ta sẽ cùng phân tích khái niệm của cụm từ này. Theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, ký hiệu TMD là ký hiệu cho đất thương mại, dịch vụ. Theo Khoản 02 Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất thương mại dịch vụ (TMD) được xếp vào nhóm đất phi nông nghiệp. Khái niệm loại đất TMD là gì được giải thích tại Phụ lục 1 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT được hiểu như sau: Đất thương mại, dịch vụ là đất dùng để xây dựng cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại và các công trình khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thương mại (bao gồm cả trụ sở; văn phòng đại diện) của các tổ chức kinh tế; đất kho, bãi bảo quản hàng hóa của tổ chức kinh tế không thuộc khu vực sản xuất.
Đặc điểm nổi bật của đất thương mại dịch vụ TMD
Bạn đã biết được khái niệm đất TMD là gì, bây giờ hãy đi đến những đặc điểm của loại đất này. Đất TMD có những đặc điểm nổi bật sau:
- Diện tích không quá lớn (dao động từ 40 – 50m²) nhưng đều tọa lạc tại vị trí đẹp, được chính quyền xây dựng trước khi bàn giao. Do đó cơ sở hạ tầng tại đây đồng bộ, đi lại thuận tiện.
- Đất nằm trong khu đô thị phát triển mạnh, kinh doanh buôn bán thuận lợi.
- Dù nằm ở vị trí đẹp, hạ tầng đồng bộ nhưng giá đất nền này vẫn chỉ bằng 1/2 đất nền dự án.
- Người sử dụng đất TMD không cần nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất.
- Người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), được phép quản lý lâu dài. Bên cạnh đó, chủ sở hữu có thể xây nhà ở hoặc cơ sở kinh doanh
Đất TMD là gì? Thời hạn sử dụng của đất TMD bao lâu?
Về thời hạn sử dụng, thông thường loại đất thương mại dịch vụ này sẽ được quy định theo 2 hình thức sử dụng khác nhau:
- Đất sử dụng ổn định lâu dài
- Đất sử dụng có thời hạn
Hiện nay, đất TMD được xác định là loại đất có thời hạn sử dụng nhất định theo quy định của nhà nước.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 126 Luật Đất đai 2013 thì đất TMD khi được giao cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức sẽ có thời hạn sử dụng trên 50 năm. Đối với các dự án đầu tư dịch vụ lớn, khả năng thu hồi vốn chậm được kéo dài thời gian sử dụng không quá 70 năm. Như vậy, thời hạn sử dụng đất thương mại dịch vụ đối với dự án đầu tư chỉ là 50 hoặc 70 năm.
Những quyền lợi và nghĩa vụ mà người sử dụng đất thương mại dịch vụ được hưởng
Khi sử dụng, chủ sở hữu sẽ thắc mắc quyền và nghĩa vụ đối với đất TMD là gì? Để giúp bạn trả lời câu hỏi thì Mua Bán đã tổng hợp những quyền và nghĩa vụ cơ bản dưới đây:
Quyền lợi của người sử dụng đất thương mại dịch vụ
Theo quy định tại Điều 153, 166, 167 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất TMD sẽ được hưởng các quyền lợi sau:
- Được thuê, cho thuê lại, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.
- Được nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức kinh tế, nhận góp vốn.
- Khi bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật thì được Nhà nước bồi thường.
- Hưởng kết quả đầu tư trên đất TMD, nhận lãi từ hoạt động kinh doanh trên lô đất.
- Được quyền tố cáo, khiếu nại, khởi kiện về tranh chấp đất đai hoặc trường hợp cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu đất đai.
Nghĩa vụ của người sử dụng đất thương mại dịch vụ
Trong quá trình được tặng cho quyền sử dụng đất TMD, bạn cần có một số trách nhiệm như sau:
- Sử dụng đất đúng với mục đích được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Sử dụng đất trong ranh giới khu đất, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất theo quy định của pháp luật về sử dụng theo chiều sâu trong lòng đất.
- Thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với lô đất (nếu có).
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ đất đai và môi trường, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lô đất liền kề.
- Trả lại đất khi Nhà nước thu hồi hoặc hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước cho phép gia hạn sử dụng.
- Nếu phát hiện dị vật trong lòng đất thì cần thực hiện theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề quy hoạch đất TMD
Để có thể hiểu rõ hơn về việc sử dụng đất TMD, bạn cần phải lưu tâm những vấn đề hay gặp về quy hoạch đất sau đây:
Đất TMD có được cấp sổ đỏ không?
Nhìn chung, đây là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn khi nói về đất thương mại dịch vụ. Câu trả lời là có nếu bạn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Vậy quy trình để được cấp sổ đỏ cho đất TMD là gì?
Bước 1: Bạn cần làm thủ tục xin phép chuyển mục đích sử dụng đất và Giấy chứng nhận tới cơ quan tài nguyên và môi trường.
Bước 2: Tại cơ quan tài nguyên môi trường, hồ sơ bạn nộp sẽ được thẩm định để xác minh thực địa, xác nhận mục đích sử dụng đất, trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định.
Bước 3: Cuối cùng, bạn thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của nhà nước.
Có được mua bán đất Thương mại dịch vụ không?
Theo Khoản 2 Điều 10 Luật đất đai 2013 về phân loại đất, điều khoản về mua bán, chuyển nhượng đất TMD được hiểu như sau: Đất thương mại dịch vụ thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Vì vậy, pháp luật đất đai cho phép chuyển nhượng đất thương mại, dịch vụ khi đáp ứng đủ điều kiện và quy định của pháp luật.
Muốn xây nhà ở trên đất TMD thì phải làm sao?
Quy định và thủ tục xây nhà ở trên đất TMD là gì? Hiện nay, nhà ở được quy định rõ tại Khoản 1 Điều 3 Luật Nhà ở 2014, cụ thể: Nhà ở là công trình được xây dựng nhằm mục đích để ở, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
Theo Khoản 1 Điều 153 Luật Đất đai 2013 và Phụ lục 01 kèm theo Thông tư 28/2014/TT-BTNMT thì đất thương mại, dịch vụ được sử dụng vào các mục đích sau:
- Xây dựng cơ sở kinh doanh
- Các công trình khác phục vụ kinh doanh, dịch vụ, thương mại (bao gồm cả trụ sở, văn phòng đại diện của tổ chức kinh tế).
Như vậy, đất TMD sẽ không được phép xây dựng nhà ở. Nếu bạn muốn xây dựng nhà ở trên đất thương mại, dịch vụ thì phải xin chuyển mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ sang đất ở. Cụ thể quy trình như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hoặc các giấy tờ khác có quyền hạn tương tự).
- Ngoài ra, phải nộp kèm theo các giấy tờ sau: sổ hộ khẩu; CMND hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Hộ gia đình, cá nhân mang bộ hồ sơ đã chuẩn bị nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Nếu hồ sơ đầy đủ thì Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận.
- Trong 3 ngày làm việc, nếu hồ sơ còn thiếu, cơ quan Sở sẽ thông báo và hướng dẫn người bạn sung, hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu bồi thường
Khi hoàn thiện hồ sơ trong quá trình cơ quan thụ lý yêu cầu, hộ gia đình, cá nhân cần lưu ý 2 điều sau:
- Thực hiện đóng các khoản tiền theo quy định
- Nhận thông báo số tiền phải nộp, nộp tại cơ quan thuế và lưu chứng từ (biên lai) để xuất trình khi có yêu cầu.
Bước 4: Trả kết quả
Ở bước này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ ra quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Khi nhận quyết định, bạn phải kiểm tra lại các thông tin trong quyết định, nếu thấy có sai sót thì yêu cầu chỉnh sửa.
Điều kiện và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ giúp cho lô đất ấy phù hợp với nhu cầu sử dụng của chủ sỡ hữu. Vậy điều kiện và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất TMD là gì?
Điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất TMD
Khi muốn chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, dịch vụ thì phải làm thủ tục xin phép cơ quan nhà nước cho phép chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp.
Pháp luật không quy định cụ thể về điều kiện được chuyển mục đích sử dụng đất mà tùy vào thời điểm thực tế, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và cơ quan có thẩm quyền quyết định có cho phép chuyển mục đích sử dụng hay không.
Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất TMD
Để tìm hiểu thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất TMD là gì, bạn hãy tham khảo các bước cụ thể sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ để xin chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm những giấy tờ sau:
- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Bước 2: Nộp 1 bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện.
Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai hoàn thiện hồ sơ trình UBND cấp huyện ra quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Hồ sơ bao gồm:
- Bộ hồ sơ như ở bước 1
- Biên bản xác minh thực địa
- Trích đo địa chính khu đất
- Văn bản chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất của UBND tỉnh
- Tờ trình
Bước 4: Bạn thực hiện các nghĩa vụ tài chính bao gồm:
- Tiền sử dụng đất
- Phí thẩm định cấp
- Phí đất đai
Bước 5: Nhận kết quả
Thời hạn giải quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Khoản 40 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP là không quá 15 ngày.