Restaking hiện đang là một trong những chủ đề thu hút được nhiều sự chú ý trong cộng đồng tiền điện tử, cung cấp cho người dùng phần thưởng bổ sung để bảo mật các giao thức bổ sung, đổi lại phải chịu rủi ro slashing (cắt giảm) ngày càng tăng.

Trong bài viết này, hãy cùng Tạp chí Bitcoin tìm hiểu chi tiết về giao thức restaking hàng đầu hiện nay, EigenLayer.

EigenLayer là gì? 

EigenLayer là phần mềm trung gian được xây dựng trên mạng Ethereum, cho phép các giao thức tích hợp tận dụng độ bảo mật cao của Ethereum mà không cần thiết lập bộ trình xác thực riêng, cung cấp một lựa chọn khả dụng dữ liệu off-chain cho Layer 2 để giảm chi phí.

EigenLayer gần đây đã thu hút sự chú ý của thị trường với đợt huy động vốn 100 triệu đô la trong vòng do Andreessen Horowitz (a16z) dẫn đầu. Vòng này cũng có sự tham gia của Blockchain Capital, Coinbase Ventures, Polychain Capital cùng những nhà đầu tư khác. Trước đó, nền tảng đã kết thúc thành công vòng Series A trị giá 50 triệu USD, được dẫn đầu bởi Blockchain Capital.

EigenLayer ra đời với mục tiêu thương mại hóa “niềm tin phi tập trung”. Các giao thức muốn tích hợp EigenLayer sẽ có thể tận dụng mạng lưới đáng tin cậy có độ bảo mật cao của Ethereum, cho phép các giao thức bắt đầu khởi chạy với chi phí thấp hơn nhiều vì chúng không phải khởi động toàn bộ bộ trình xác thực thông qua các phần thưởng khuyến khích. Điều này làm gia tăng những đổi mới tiềm năng có thể được phát triển bởi các giao thức vì nó giúp các công ty không cần tốn vốn khởi nghiệp.

Sau nhiều lần tăng giới hạn staking, EigenLayer đã quyết định loại bỏ giới hạn 200k ETH riêng lẻ trên LST vào ngày 5 tháng 2, một quyết định được thiết kế để “mời gọi nhu cầu tự nhiên”. Kể từ đó, TVL tăng thêm hàng trăm triệu đô la, có thể là do giá tài sản tăng.

Cách EigenLayer bảo mật các giao thức trên Ethereum

Như đã đề cập trước đó, EigenLayer đang xây dựng bản thân trở thành một thị trường cho niềm tin phi tập trung. Điều này có nghĩa là các giao thức có thể tích hợp EigenLayer để tận dụng tính bảo mật cơ bản của Ethereum thông qua tính năng “thuê” – cho phép staker restake ETH của họ để bảo mật các giao thức này thay vì xây dựng bộ trình xác thực của riêng mình. EigenLayer đặt mục tiêu tạo ra một thị trường restaking, nơi các giao thức có thể mua công nghệ pooled security (bảo mật gộp chung) từ trình xác thực, trong khi trình xác thực có thể bán công nghệ này cho các giao thức.

Sreeram Kannan – nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tại EigenLayer – cho hay:

“Một trong những rào cản chính đối với quá trình đổi mới trong hệ sinh thái tiền điện tử ngày nay là yêu cầu bắt buộc các dự án phải xây dựng niềm tin hoặc bảo mật cryptoeconomic (nền kinh tế tiền điện tử). EigenLayer hy vọng tạo ra một mô hình mới trong đó các nhà phát triển có thể dễ dàng ‘tiêu thụ’ niềm tin, thay vì phải xây dựng niềm tin và thiết kế các hệ thống đảm bảo mạnh mẽ giúp hệ sinh thái tiền điện tử trở nên an toàn và hữu ích hơn.”

Mục tiêu của EigenLayer là tạo ra một hệ sinh thái blockchain mạnh mẽ hơn với hầu hết các giao thức có độ an toàn cao.

Restaking là gì?

Nói một cách đơn giản, restaking là một cơ chế cho phép người dùng stake cùng một ETH trên cả Ethereum và các giao thức khác, bảo mật đồng thời tất cả các mạng này. Do đó, việc restaking cho phép tận dụng các mạng tin cậy hiện có.

Tuy nhiên, khi người dùng chọn restake ETH của họ, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro bị cắt giảm ngày càng tăng. Vì lý do đó, những restaker sẽ nhận được phần thưởng staking cao hơn.

Cách thức restaking

EigenLayer đưa ra nhiều phương pháp restaking theo mức độ rủi ro từ thấp đến cao:

  1. Native Restaking: Trình xác thực restake ETH đã được stake của họ
  2. LSD Restaking: Trình xác thực restake tài sản đã được stake thông qua các nhà cung cấp staking thanh khoản như Lido hay Rocket Pool…
  3. LSD LP Restaking: Trình xác thực restake token LP của một cặp token có bao gồm token ETH staking thanh khoản
  4. ETH LP Restaking: Trình xác thực restake token LP của một cặp token có bao gồm ETH.
Nguồn: Messari

Phương pháp restaking cuối cùng được người dùng lựa chọn sẽ phụ thuộc vào mức độ rủi ro mà họ sẵn sàng chấp nhận và loại vị thế mà họ đã nắm giữ. Vậy tại sao các giao thức lại lựa chọn restaking như một giải pháp để thiết lập bảo mật cho giao thức?

Các vấn đề được giải quyết bởi EigenLayer

Kiến trúc của EigenLayer giải quyết nhiều vấn đề mà thị trường hiện nay đang phải đối mặt.

1. Sự khó khăn trong quá trình thiết lập bảo mật giao thức

Bộ trình xác thực thuộc một giao thức chính là yếu tố quan trọng quyết định mức độ bảo mật của giao thức đó. Hiện tại, các giao thức được xây dựng trên mạng Ethereum được yêu cầu tự phát triển bộ trình xác thực của riêng, và nó phải có kích thước đủ lớn để đạt được sự phi tập trung. Điều này trở thành nút chướng ngại lớn đối với các nhà phát triển vì hai lý do sau:

Đầu tiên là họ sẽ phải bỏ ra một khoản tiền lớn để khuyến khích các trình xác thực bảo mật mạng. Thứ hai là các nhà phát triển sẽ phải dành rất nhiều thời gian cho việc quản lý trình xác nhận thay vì phát triển giao thức.

Một ví dụ tiêu biểu là lãi suất phần trăm hàng năm (APR) cao ngất trời mà một số giao thức phải cung cấp để thu hút các nhà đầu tư nhằm gia tăng bảo mật cho mạng của họ. APR này được cung cấp cho người dùng dưới dạng các đợt phát hành token, thứ sẽ làm giảm ngân quỹ của mạng. Hãy cùng xem xét ví dụ từ sơ đồ bên dưới, mô tả hệ thống token của giao thức Evmos. Có thể thấy rằng một phần rất lớn số token (40% < 4 năm, hiện là 32%) phải được phân bổ cho “Staking Reward” (Phần thưởng staking) để thu hút và duy trì một bộ trình xác thực đủ lớn.

2. Thiếu chủ quyền

Các giao thức muốn xây dựng trên Ethereum phải tuân thủ bộ quy tắc cơ bản đã được tích hợp vào Ethereum. Do đó, các giao thức này sẽ không được tự do phát triển và đổi mới nền tảng. Sự thiếu chủ quyền này là yếu tố khiến cho các nhà phát triển có xu hướng xây dựng trên các chain khác như Cosmos, nơi trao cho họ quyền tùy chỉnh cao hơn.

3. Thiếu niềm tin vào các giao thức khác

Một giao thức thường phụ thuộc vào nhiều giao thức khác để vận hành một số chức năng nhất định, ví dụ như oracle. Tuy nhiên, do các giao thức này có thể được xây dựng trên các chain khác ngoài Ethereum nên mức độ bảo mật sẽ thấp hơn. Do đó, rủi ro bảo mật mà người dùng gặp phải có thể sẽ cao hơn vì bảo mật của giao thức sẽ chỉ tốt bằng bảo mật của thành phần yếu nhất, như được mô tả trong hình bên dưới.

Nguồn: Kirill Naumov trên X

Lợi ích của EigenLayer

Khi đã hiểu những vấn đề mà EigenLayer đang cố gắng giải quyết thì chúng ta có thể có cái nhìn toàn diện hơn về những lợi ích mà EigenLayer mang lại.

1. Tăng cường bảo mật giao thức

Với EigenLayer, các giao thức sẽ có thể khai thác lớp bảo mật của Ethereum bằng cách khuyến khích các staker ETH stake vào giao thức của họ. Điều này giúp giao thức có được quyền truy cập vào bộ trình xác thực lớn hơn nhiều và cải thiện tính bảo mật ban đầu của chúng.

2. Mức độ linh hoạt cao

Khi xây dựng trên EigenLayer, các giao thức sẽ có quyền tự do tùy chỉnh kiến ​​trúc của chúng, bao gồm loại cơ chế đồng thuận, điều kiện cắt giảm,…

3. Tăng hiệu quả sử dụng vốn

Nhờ vào khả năng restake ETH, staker giờ đây có thể kiếm được phần thưởng từ nhiều giao thức có cùng số vốn.

Hiệu quả sử dụng vốn chính là một yếu tố được thị trường ưa chuộng, với các công cụ phái sinh staking thanh khoản nổi bật như Lido và Rocketpool nhận được sự quan tâm rộng rãi trên thị trường. Token quản trị của các giao thức này, LDO và RPL, cũng đã ghi nhận mức tăng giá mạnh mẽ. Với EigenLayer, lợi ích hiệu quả sử dụng vốn còn được tối ưu hơn nữa vì người dùng có thể stake ETH của họ trên nhiều giao thức khác, trong đó mỗi giao thức đều có hệ thống phần thưởng bổ sung riêng.

Rủi ro của EigenLayer

Vào tháng 5 năm 2023, Vitalik đã vạch ra một số rủi ro tiềm ẩn của việc restaking, tập trung vào khả năng làm cho cơ chế đồng thuận xã hội bị quá tải khi có kỳ vọng sử dụng cơ chế này của Ethereum để thúc đẩy 1 fork nhằm giải quyết các vấn đề này.

“Việc sử dụng ETH mà các validator đã stake để cho 2 hai mục đích song song, mặc dù có một số rủi ro nhất định, nhưng về cơ bản là ổn. Tuy nhiên, việc sử dụng sự đồng thuận xã hội từ cộng đồng Ethereum để đạt được lợi ích riêng cho ứng dụng của bạn thì không được.”

1. Rủi ro slashing

Từ góc độ người dùng, một trong những rủi ro lớn nhất khi sử dụng EigenLayer là khả năng bị cắt giảm (phạt) trên layer đồng thuận (lên tới 50%), cũng như bất kỳ điều kiện cắt giảm mới nào do giao thức đặt ra có thể ảnh hưởng đến 50% ETH được stake còn lại. Vậy là nếu staker có những hành động, không đúng chuẩn mực, họ có thể bị cắt giảm tới 100% số ETH đã stake. Tuy nhiên, điều này cũng có mặt lợi là sẽ khuyến khích người dùng duy trì thái độ trung thực.

2. Rủi ro tập trung hóa

Staker ETH còn có khả năng gặp phải rủi ro tập trung hóa khi họ có thể lựa chọn bắt đầu chuyển hướng thông tin xác thực rút tiền của mình sang EigenLayer vì lời hứa về lợi suất tăng lên. Điều này lại tạo ra rủi ro hệ thống cho mạng Ethereum trong trường hợp bị tấn công khai thác.

3. Rủi ro lợi suất

Sau khi quá trình restaking được bắt đầu, các giao thức có thể tận dụng Ethereum để đảm bảo tính bảo mật. Tuy nhiên, những staker trên EigenLayer có thể tìm kiếm mức lợi suất cao nhất để tối đa hóa lợi nhuận, điều này dẫn đến tình trạng các giao thức chạy đua để mang lại lợi suất cao hơn nhằm thu hút các staker, có thể làm giảm lợi suất của người dùng giao thức.

EigenDA: Layer có sẵn dữ liệu thay thế

Một trong những trường hợp sử dụng nổi bật nhất của EigenLayer hiện nay là EigenDA – một layer có sẵn dữ liệu phi tập trung được bảo mật bởi Ethereum. Với EigenDA, phí gas trên Layer 2 (L2) có thể giảm đáng kể do đây là một giao thức có sẵn dữ liệu riêng biệt, được bảo mật bởi Ethereum. Điều này trái ngược với cơ sở hạ tầng hiện có, nơi mà tính khả dụng dữ liệu được tích hợp vào Layer 1. Chướng ngại lớn nhất ở đây là sự tắc nghẽn mạng khi mà mạng Layer 1 phải thực hiện tất cả các khía cạnh khác nhau bao gồm thực thi, lưu trữ dữ liệu,…, dẫn đến phí gas cao hơn. Ngoài ra, EigenDA còn cung cấp băng thông cao hơn cho cơ chế khả dụng dữ liệu. Layer cơ sở của Ethereum hiện tại có thể xử lý 80 kilobyte (KB) mỗi giây, trong khi EigenDA đang tìm cách cung cấp tới 10 megabyte (MB) – một con số cao hơn rất nhiều.

Một trong những đối tác hiện tại của nó là Mantle – một L2 mô-đun của Ethereum. Bằng cách tách layer có sẵn dữ liệu trong khi tận dụng tính bảo mật của Ethereum thông qua ETH được restake, Mantle có thể giảm phí giao dịch L2 khoảng 80% so với L2 hiện tại. Điều này có khả năng cao sẽ thu hút được một lượng lớn người dùng. Ngoài Mantle, Celo cũng đang sử dụng EigenLayer làm layer có sẵn dữ liệu để giữ phí gas ở mức thấp nhất cho người dùng.

EigenLayer cũng đã trình bày khả năng cải thiện vấn đề kiểm duyệt tồn tại trong lĩnh vực MEV (Maximal Extractable Value). Việc Ether chuyển từ cơ chế đồng thuận PoW sang cơ chế đồng thuận PoS đã làm nảy sinh những vấn đề liên quan đến việc kiểm duyệt. Kể từ khi EigenLayer giới thiệu tính năng slashing đối với những người đề xuất khối có hành vi sai trái, bất kỳ hoạt động độc hại nào cũng sẽ phải đối mặt với việc bị cắt giảm, góp phần giải quyết vấn đề kiểm duyệt.

Kết luận

EigenLayer là một trong những giao thức thú vị nhất được xây dựng trong thời gian gần đây. Với kiến ​​trúc độc đáo, nó có thể mang lại lợi ích cho nhiều bên, bao gồm các nhà phát triển làm việc trên các giao thức hiện có quyền truy cập vào khả năng đổi mới vô hạn và những người tham gia thị trường có thể sử dụng vốn của họ để kiếm được nhiều phần thưởng hơn. Quan trọng hơn, chúng ta có thể thấy trước bối cảnh blockchain ngày càng trở nên mạnh mẽ nhờ tính bảo mật được cải thiện và những đổi mới có thể được đưa ra thị trường. Đây sẽ là động lực quan trọng trong việc thu hút nhiều người dùng đến và tham gia vào hệ sinh thái.

CLICK TO REGISTER BINANCE MEMBER

OKX – DIGITAL CURRENCY EXCHANGE